Đoàn công tác đã tập trung kiểm tra thực tế nhiều nội dung như: việc lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện và sắp xếp hàng hóa bên trong kho chứa hàng, xưởng sản xuất; điều kiện tồn chứa và sử dụng hóa chất; hệ thống giao thông phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; tình trạng hoạt động của hệ thống, phương tiện PCCC tại chỗ; khả năng xử lý tình huống cháy nổ của lực lượng PCCC cơ sở. Nhìn chung, đa số doanh nghiệp được kiểm tra đợt này đều có dành sự quan tâm nhất định đến công tác đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ trong quá trình hoạt động, sản xuất.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác cũng phát hiện và kiến nghị, hướng dẫn một số cơ sở khắc phục các sơ hở, thiếu sót gây mất an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ. Theo đó, những vi phạm phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ cao mà các doanh nghiệp còn mắc phải vẫn là: bố trí, sử dụng điện không đảm bảo quy định; sắp xếp hàng hóa không đúng khoảng cách an toàn và gây cản trở lối thoát nạn; tự ý cơi nới, thay đổi công năng một số hạng mục công trình làm ảnh hưởng đến hệ thống giao thông phục vụ công tác chữa cháy; năng lực đội ngũ PCCC tại chỗ của một vài doanh nghiệp còn hạn chế…
Ông Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự - Công ty cổ phần Giày da và May mặc xuất khẩu Legamex (quận 10), chia sẻ: “Đảm bảo an toàn PCCC là một nội dung rất quan trọng được đề ra trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của công ty. Nhưng ở góc độ chuyên môn nghiệp vụ PCCC thì công ty cũng còn nhiều hạn chế, nên trong công tác tự kiểm tra nhiều khi cũng chưa nhìn thấy được hết những nguy cơ có thể gây cháy nổ. Thông qua đợt kiểm tra này, cơ quan chức năng đã giúp công ty nhận thức tốt hơn, đầy đủ hơn về công tác phòng chống cháy nổ. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành khắc phục ngay những vấn đề mà đoàn kiểm tra đã góp ý, để đảm bảo công tác PCCC của công ty được thực hiện đúng theo quy định pháp luật”.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ cháy cơ sở hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, kho hàng có tính chất nguy hiểm cao về cháy nổ nằm xen cài trong khu dân cư trên địa bàn TPHCM xảy ra không nhiều, có chiều hướng được kéo giảm. Tuy nhiên, hầu hết các vụ cháy xảy ra ở nhóm loại hình cơ sở này vẫn luôn có quy mô lớn, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi các vụ cháy thường diễn ra trên diện rộng, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến công việc, đời sống của hàng ngàn công nhân… Những vụ hỏa hoạn xảy ra tại các khu công nghiệp đang là mối họa khó lường, nên việc “phòng lửa” cần được tập trung hơn “chống lửa”. Do vậy, người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong việc tổ chức, triển khai chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCCC.