Lực lượng chức năng lập biên bản 1 tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: CSB |
Ngày 5-10, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, qua kiểm tra liên tục cho thấy, 100% tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tại các đồn, trạm biên phòng, kiểm ngư gần cửa biển, việc kiểm tra tàu ra vào bến cũng thực hiện chặt chẽ, đúng quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC).
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay có tình trạng các chủ tàu cố tình ngắt kết nối, hoặc tháo thiết bị định vị giám sát hành trình để né cơ quan chức năng vi phạm vùng biển cấm khai thác.
Cụ thể, trong 1 tháng gần đây, ngành chức năng đã thực hiện 19.776 cuộc gọi đối với 1.811 tàu cá mất kết nối trên biển. Sau đó, chỉ có 1.059 tàu cá bật lại thiết bị VMS kết nối hệ thống giám sát.
Gần đây nhất là ngày 14-9, qua tuần tra, kiểm tra trên vùng biển Phú Quốc, lực lượng chức năng phát hiện một tàu cá không số chở 6 thiết bị giám sát hành trình của 6 tàu cá khác.
Ông N.T.L., ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, chủ tàu cá này thừa nhận vi phạm. Ông trình bày, cách đây 15 ngày nhận lời nhờ giữ các thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác, với lời hứa khi cập cảng sẽ được hỗ trợ tiền dầu. Ông L. không biết đã vi phạm pháp luật.
Một trường hợp khác là vào ngày 3-7, lực lượng kiểm tra phát hiện tàu cá không số của một ngư dân đang hoạt động khai thác tại Nam Du (huyện Kiên Hải) vận chuyển, giữ 12 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác gửi nhờ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, các trường hợp vi phạm đều bị xử phạt rất nặng, có trường hợp bị phạt lên tới trên 2,8 tỷ đồng, vượt quá giá trị của chiếc tàu. Giải pháp cấp bách là ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình thay đổi thiết kế sao cho chủ tàu không thể tự tháo ra được.