Kiến nghị bổ sung tội danh trốn đóng BHXH vào Bộ luật hình sự

Chiều 8-4, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân họp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về chương trình phối hợp giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các loại hình doanh nghiệp (DN). Một lần nữa, thực trạng nhức nhối DN trốn đóng, chây ỳ tiền BHXH lại được xới lên.

Chiều 8-4, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân họp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về chương trình phối hợp giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các loại hình doanh nghiệp (DN). Một lần nữa, thực trạng nhức nhối DN trốn đóng, chây ỳ tiền BHXH lại được xới lên.

Phần lớn DN chậm đóng BHXH

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH nhấn mạnh, BHXH là chính sách an sinh xã hội, người lao động (NLĐ) khi còn sức khỏe thì tích lũy để bảo đảm khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu để bảo đảm cuộc sống của mình. Việc thực hiện chính sách BHXH ở các DN hiện nay đang là một nhức nhối lớn của xã hội. Trước tình hình này, liên ngành trung ương gồm: Ủy ban MTTQVN, Tổng LĐLĐ, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐTB-XH, BHXH đã giám sát nội dung này từ tháng 9-2014 trên địa bàn 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang, ở 12 DN với tổng số lao động được giám sát là gần 18.000 người.

     
     
 

* Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng, lẽ ra cả nước đã phải có trên 16 triệu lao động tham gia BHXH, nhưng hiện chỉ mới có khoảng 10,5 triệu NLĐ tham gia, tức là vẫn còn tới 5,5 triệu NLĐ thuộc diện phải tham gia nhưng vẫn đứng ngoài BHXH. Vừa qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tình trạng vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách BHXH tuy đã giảm nhưng hiện DN vẫn còn nợ trên 7.000 tỷ đồng BHXH, gây thiệt thòi rất lớn cho NLĐ.

 
     

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết, qua giám sát cho thấy nhiều sai phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể có 7/12 DN chưa thực hiện ký hợp đồng lao động và đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, thất nghiệp đầy đủ, kịp thời cho NLĐ. Nhiều DN chưa đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ lớn tuổi đang làm việc thường xuyên tại DN. Có 867 NLĐ thuộc diện phải tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia. 4/12 DN đóng chậm, đóng thiếu tiền BHXH với số tiền lớn và thời gian dài. Tất cả các DN đều đóng BHXH cho NLĐ trên cơ sở lương tối thiểu, nhưng khi Chính phủ công bố tăng lương tối thiểu thì DN ký lại hợp đồng lao động để làm căn cứ đóng BHXH nhưng thấp hơn nhiều so với tiền lương thực lĩnh của NLĐ.

Đáng chú ý, một số DN may như Công ty TNHH Unico Global Việt Nam sử dụng 359 lao động thời vụ, thường xuyên biến động và có hiện tượng lao động nữ nghỉ hết 6 tháng thai sản là nghỉ việc. Công ty cổ phần May Bắc Giang sử dụng thường xuyên 350 học sinh học nghề; Công ty TNHH Vạn Đức ký hợp đồng dưới 3 tháng đối với 30 lao động làm việc thường xuyên nhưng không trọn ngày, trọn giờ. Trong 12 DN này, tổng cộng có 739 NLĐ làm việc thường xuyên nhưng DN chỉ ký hợp đồng thời vụ hoặc hợp đồng học nghề để tránh tham gia BHXH bắt buộc.

Đặc biệt, 11/12 DN chưa xây dựng hệ thống thang, bảng lương. Kết quả giám sát cũng cho thấy, 4/4 tỉnh được giám sát đều có DN nợ BHXH, tổng cộng số nợ lên tới trên 520 tỷ đồng với 152.000 người. Số nợ này so với quy mô DN và số lao động trên địa bàn là tương đối lớn.

Về phía Thanh tra Chính phủ (TTCP), ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng TTCP cho biết, TTCP cũng đã hoàn tất cuộc thanh tra về thực hiện BHXH, hiện đang hoàn thiện bản kết luận để công bố công khai. Sơ bộ tiến hành thanh tra 1.261 DN của TTCP cho thấy, tất cả đều có hành vi chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế. Tổng số tiền nợ là 1.440 tỷ đồng. Các tỉnh, thành đều có tình trạng DN đóng không đủ số lượng NLĐ dưới hình thức trốn đóng, đóng thiếu thời gian, với trên 11.000 lao động. Việc giám sát, kiểm tra, xử phạt vi phạm về BHXH còn hạn chế. Chỉ 8,8% DN vi phạm bị xử lý. Đây là vấn đề đang gây nhức nhối trong xã hội.

Cố tình.. chây ỳ

Theo ông Trần Đức Lượng, vi phạm trong chính sách BHXH trong những năm qua chủ yếu do DN cố tình chiếm đóng, không quan tâm đến lợi ích của NLĐ, chiếm dụng tiền BHXH để tăng lợi nhuận cho DN. “Đây là hành vi đáng lên án”, ông Trần Đức Lượng nhấn mạnh. Cùng với đó, nhận thức của NLĐ về BHXH còn hạn chế, mặc nhiên chấp nhận sự thiệt thòi này; một số địa phương chưa làm tốt công tác giám sát, quản lý cũng khiến các DN có đất để vi phạm. Đặc biệt, việc thực hiện các chế tài xử lý DN chưa thường xuyên, chưa đủ sức răn đe nên các DN vẫn cố tình.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN thừa nhận tình trạng kéo dài, nợ đọng BHXH xảy ra phổ biến, thời điểm nợ đọng cao nhất là trên 11.000 tỷ đồng, gây thiệt thòi cho NLĐ rất lớn.

Từ kết quả giám sát năm 2014, đoàn giám sát liên ngành đề nghị Quốc hội kiến nghị xem xét bổ sung tội danh trốn đóng BHXH và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ vào Bộ luật Hình sự sửa đổi (hiện dự thảo luật đã đưa tội danh này vào - PV). Kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý nợ BHXH ở các DN không còn hoạt động, phá sản hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; khoanh nợ BHXH cho những DN thực sự khó khăn để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và cả DN.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục