Kiến nghị giao quyền tự chủ, tự quyết số lượng biên chế, người làm việc cho TPHCM

UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Đoàn ĐBQH TPHCM tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023.

UBND TPHCM đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 đạt được một số kết quả nhất định, đảm bảo tiến độ đề ra. Nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ được sửa đổi, bổ sung, ban hành đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền.

Công chức Sở LĐTBXH TPHCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh NGÔ BÌNH.jpg
Công chức Sở LĐTB-XH TPHCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp được sắp xếp đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối; chức năng nhiệm vụ được rà soát, điều chỉnh hợp lý, khắc phục tình trạng chồng chéo. Hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập cũng được nâng lên, từng bước thực hiện tự chủ về tài chính, phù hợp tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương và của thành phố.

Qua sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, khắc phục dần tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực; hiệu quả hoạt động của các đơn vị nâng lên.

Việc rà soát, tổ chức lại, sắp xếp, giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thực hiện tốt mục tiêu tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đơn vị sự nghiệp công lập đạt hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa trong lĩnh vực y tế góp phần giảm số lượng người làm việc được giao, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế.

Trong năm 2021-2022, số kinh phí tiết kiệm được từ sắp xếp, đẩy mạnh hoạt động tự chủ ở đơn vị sự nghiệp là hơn 610 tỷ đồng (khối thành phố hơn 388 tỷ đồng và khối quận, huyện hơn 222 tỷ đồng). Dự kiến năm 2024, thành phố sẽ thu hồi về khoảng 1.500 biên chế viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập từ hiệu quả của việc tổ chức, sắp xếp bộ máy, nâng cao mức độ tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đã chuyển sang tự chủ nêu trên.

UBND TPHCM nhìn nhận, trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc như: còn lúng túng khi xác định, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy; một số nhiệm vụ hoàn thành còn chậm so với kế hoạch đề ra. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, thu nhập hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ tự chủ của một số đơn vị còn chậm.

Mặt khác, số lượng đơn vị sự nghiệp của TPHCM khá lớn nhưng chưa được phân cấp cho các cơ quan cấp dưới thực hiện phê duyệt đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết, làm kéo dài thời gian phê duyệt đề án. Do đó, trong thời gian chờ được phê duyệt đề án, các đơn vị không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết. Điều này dẫn đến giảm nguồn thu của đơn vị sự nghiệp và tạo thêm áp lực cho ngân sách địa phương để đảm bảo hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp công lập và phục vụ nhu cầu của người dân, học sinh, sinh viên. Ngoài ra, một số nghị định của Chính phủ chưa được bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện.

Thời gian tới, TPHCM tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại, giải thể, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định tại Nghị định 120/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đồng thời, xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian không đáp ứng điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu theo quy định. Xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của đơn vị sự nghiệp công lập theo tiêu chí quy định.

TPHCM khuyến khích các đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp…

UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận số biên chế hiện nay cho TPHCM, tham mưu trình Bộ Chính trị giao quyền tự chủ, tự quyết định về số lượng biên chế, số lượng người làm việc cho TPHCM cho phù hợp với quy mô dân số, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia, sứ mệnh và tầm nhìn phát triển của thành phố trong tương lai.

Kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương thay đổi quy định về chỉ tiêu giảm biên chế và giao biên chế hàng năm trên cơ sở các chỉ số về mật độ dân số và quy mô quản lý, để đảm bảo phù hợp từng địa phương. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ có văn bản cho phép tuyển dụng viên chức làm công tác y tế, tài chính trong các cơ sở giáo dục ở địa phương.

Bên cạnh đó, xem xét, tham mưu Trung ương có văn bản điều chỉnh một số chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19). Trong đó không tính tỷ lệ giảm 10% đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục, y tế mà chỉ tính tỷ lệ nâng cao mức độ tự chủ vì đây là một yêu cầu rất khó khăn đối với một siêu đô thị đông dân bậc nhất như TPHCM.

UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024; sớm thông qua Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện để TPHCM có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Tin cùng chuyên mục