Trong đó, nổi bật là một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục như: nghiên cứu và luật hóa một số hình thức học tập không chính quy, học qua mạng Internet; cho phép các địa phương có cơ chế thí điểm một số mô hình trường học mới (như mô hình trường tiên tiến hội nhập đang thực hiện thí điểm ở TPHCM); bổ sung loại hình Trường Bồi dưỡng giáo dục hoặc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo để làm công tác bồi dưỡng, đánh giá giáo viên định kỳ 5 năm và làm cơ sở cho công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên.
Ngoài ra, TP cũng đề xuất một số điểm mới như định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay); cơ cấu giờ, tiết học linh hoạt (học 1 buổi, 2 buổi hoặc học cả ngày) để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương; cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm từng địa phương; nâng chuẩn theo quy định của giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học tối thiểu có bằng tốt nghiệp cao đẳng...
Đặc biệt, TP cũng kiến nghị điều chỉnh độ tuổi giáo dục mầm non "từ sáu tháng tuổi đến sáu tuổi" để phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội.
Riêng về định nghĩa "nhà giáo" của Luật Giáo dục, TP đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 70, cụ thể: “Nhà giáo là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác" bổ sung thêm các đối tượng "đã có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục” (Luật Giáo dục hiện nay quy định "nhà giáo" không bao gồm các cán bộ quản lý giáo dục). Đồng thời, phải xem đội ngũ nhà giáo là đội ngũ đặc biệt, có chế độ đãi ngộ đặc biệt (như quân đội, công an…) để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành sư phạm.
Đối với Chính phủ, TP đề xuất ban hành Nghị định cho các cán bộ, chuyên viên công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo; ban hành chính sách sử dụng lao động qua đào tạo hợp lý, cụ thể hóa chủ trương phân luồng cho đào tạo nghề nghiệp; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho giáo viên và khuyến khích đối với sinh viên trung cấp chuyên nghiệp.
Đối với Bộ GD-ĐT, TP chỉ ra một số bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp tình hình thực tế như bố trí 2 vị trí việc làm cho 4 chức danh kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế; tiêu chuẩn bàn ghế ở các bậc học không phù hợp chiều cao thực tế của học sinh, quy định về thiết kế, chiều rộng phòng học còn nhiều bất cập, một số nội dung liên quan đến công tác quản lý các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các trường đại học ngoài công lập, mô hình trường phi lợi nhuận, phân cấp quản lý các trường đại học theo địa bàn chưa đầy đủ và phù hợp tình hình thực tiễn...
Từ đó, TP kiến nghị các bộ, ngành sớm có nghiên cứu, ban hành lại các quy định để tạo thuận lợi cho các trường.