Kiến nghị sửa toàn diện Bộ luật Lao động

(SGGP).- Ngày 30-8, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khảo sát tình hình thực hiện pháp luật về lao động trên địa bàn TPHCM và lấy ý kiến dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Nhiều ý kiến cho rằng tiền lương quy định chưa hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động xảy ra nhiều trong thời gian vừa qua. Do vậy, các quy định về giải quyết tranh chấp lao động, đình công cần phải quy định sát thực tế thì mới giải quyết được; cần phải sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động.

Theo phản ánh của ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, nhiều doanh nghiệp đăng ký thang, bảng lương mang tính hình thức, đối phó với cơ quan nhà nước, thực tế không áp dụng hoặc áp dụng không đúng thang, bảng lương đăng ký. Người lao động làm việc lâu năm nhưng không được nâng bậc lương mà chỉ được điều chỉnh lương theo mức lương tối thiểu vùng mỗi khi Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu mới hoặc doanh nghiệp có tăng lương nhưng mức tăng không phù hợp giữa lao động mới và lao động có thâm niên.

Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp lao động tập thể, đình công trong hai năm gần đây. Tuy nhiên việc xử phạt các doanh nghiệp không áp dụng đúng thang, bảng lương không được quy định cụ thể trong Nghị định 47/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết, tính từ tháng 12-2010 đến ngày 26-8-2011, trên địa bàn TP xảy ra 175 vụ tranh chấp lao động tập thể với gần 94.000 người tham gia.

V.Anh

Tin cùng chuyên mục