Kiến nghị xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông

Ngày 3-4, Sở GTVT TPHCM cho biết, sở đã trình UBND TP dự thảo báo cáo về thực trạng, giải pháp phát triển hệ thống giao thông kết nối giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.


Theo dự thảo, nhằm phát huy vai trò đầu tàu của khu vực, tính cần thiết và trên cơ sở kiến nghị các tỉnh ở 2 vùng kinh tế, UBND TPHCM thống nhất kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn Bến Lức - Hiệp Phước trong năm 2019 và đoạn Hiệp Phước - Long Thành trong năm 2021.

Đối với tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) có sự hỗ trợ của Nhà nước (bằng nguồn ODA và ngân sách trung ương) với tổng vốn đầu tư 10.688 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ GTVT mới đang nghiên cứu tiền khả thi.

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, TPHCM kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao TPHCM phối hợp với tỉnh Tây Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức kêu gọi đầu tư. Các tuyến cao tốc như Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kiến nghị Bộ GTVT sớm có kế hoạch đầu tư các tuyến còn lại trong giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành khai thác giai đoạn 2026-2030.

 Đường vành đai 3, đoạn 1 Bộ GTVT đã có kế hoạch đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025; đoạn 2 đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào sử dụng. TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua chủ trương đầu tư, bổ sung vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở để TPHCM tạm ứng ngân sách (theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11- 2017) để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 2019-2020 và Bộ GTVT có kế hoạch đầu tư thực hiện dự án, hoàn thành giai đoạn 2021-2025.

Đường vành đai 4 (đoạn Bến Lức - Hiệp Phước), kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT có kế hoạch triển khai đầu tư giai đoạn 2021-2025 và đưa vào sử dụng giai đoạn 2025-2030. Đồng thời có kế hoạch đầu tư các đoạn còn lại trong giai đoạn 2025-2030.

Đối với tuyến quốc lộ 22 (TPHCM - Tây Ninh), đoạn thuộc địa bàn TPHCM (dài 31km) đang xem xét đầu tư (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025, kiến nghị Bộ GTVT, tỉnh Tây Ninh phối hợp có kế hoạch đầu tư đối với đoạn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (dài 28km) đảm bảo đồng bộ thông suốt toàn tuyến.

Tuyến quốc lộ 50 mới song song (quốc lộ 50B), đoạn thuộc địa phận TPHCM đến huyện Cần Giuộc tỉnh Long An (dài 8km), TPHCM đã thống nhất với tỉnh Long An đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2021-2025. TPHCM kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét kiến nghị của tỉnh Long An về bổ sung quy hoạch và đầu tư đảm bảo đồng bộ, thông suốt toàn tuyến.

Về đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ, TPHCM phối hợp cùng các địa phương, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh hướng tuyến. TPHCM tiếp tục phối hợp cùng các địa phương thống nhất phương án hợp tác đầu tư, báo cáo Bộ GTVT về công tác đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026-2030.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TPHCM kiến nghị Bộ GTVT chuẩn bị và thực hiện công tác đầu tư, hoàn thành đồng bộ, đảm bảo kết nối TPHCM với sân bay Long Thành khi đưa vào sử dụng. Đường sắt quốc gia đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng (dài 9,5km) quy hoạch đi trên cao, khác mức với đường bộ, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do đường ngang giao cắt cùng mức với đường sắt. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Bộ GTVT sớm thực hiện đầu tư xây dựng nâng cao đoạn tuyến này.

TPHCM cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đảm bảo giao thông kết nối đồng bộ khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác.

Về đường thủy, Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư cải tạo nâng cấp luồng sông Đồng Tranh dài 22,5km kết nối TPHCM đi cảng Cái Mép - Thị Vải cho tàu 5.000DWT lưu thông. Cục Đường thủy nội địa cải tạo nâng cấp luồng sông đoạn chợ Đệm - Bến Lức dài 4,8km đạt chuẩn cấp III. Đối với luồng Soài Rạp, TPHCM kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận quy mô nạo vét duy tu luồng Soài Rạp (giai đoạn 2018-2020) với cao độ nạo vét sâu 9m. Sau năm 2020 sẽ nạo vét đạt cao trình sâu 9,5m. Chỉ triển khai đầu tư nạo vét đến độ sâu 12m khi có nhu cầu khai thác.

Về lĩnh vực vận tải, TPHCM đề nghị Bộ GTVT phối hợp cùng Bộ Công thương đẩy mạnh đề án phát triển dịch vụ logistics. Bộ GTVT sớm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của sàn giao dịch vận tải hàng hóa để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sàn này.

Tin cùng chuyên mục