Kiên quyết không để dịch lây lan

Chiều 2-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Lo quá tải các khu cách ly

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từ ngày 13-2 đến nay Việt Nam không ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới, tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 vẫn là 16 và đã được điều trị khỏi cả 16 ca. Như vậy, đến ngày 2-3, đã bước sang ngày thứ 20, Việt Nam không xuất hiện ca bệnh mới. Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi được coi là ổ dịch) cũng đã cách ly toàn xã được 20 ngày, còn 1 ngày nữa là có thể dừng cách ly theo quy định (dự kiến 0 giờ ngày 4-3). Về các biện pháp ngăn chặn dịch từ Hàn Quốc, hiện Việt Nam đã tạm ngừng miễn thị thực đơn phương đối với một số nước, trong đó có Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam thực hiện tạm thời ngừng miễn thị thực đối với người đến từ Italy hoặc qua Italy trong vòng 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 3-3. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.  Ảnh: TTXVN
Cùng với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng cũng đã sẵn sàng để tiếp nhận cách ly khoảng 31.000 người, và hiện đã cách ly 11.000 người. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn, quân đội có khả năng tiếp nhận khoảng 20.000 người nữa, nhưng tùy từng khu vực vì một số nơi ở Cần Thơ đã kín chỗ, khu vực Hà Nội cũng đã hết khả năng tiếp nhận. Hiện Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 giao Bộ Quốc phòng rà soát năng lực sẵn sàng tiếp nhận của các cơ sở cách ly tập trung ở khu vực Nam Trung bộ từ Ninh Thuận đến Phú Yên; cân nhắc hạn chế cách ly ở Cần Thơ. Trong khi đó, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, bộ đang nghiên cứu hệ thống tiêu chí tiêu chuẩn để bảo đảm du khách nếu thuộc diện phải cách ly nhưng có thể được cách ly tại khu nghỉ dưỡng, khách sạn có trả phí. 


Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cho rằng phải lường trước, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống có thể xuất hiện thêm ca nhiễm mới. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lại lo ngại nếu cách ly đồng loạt có thể dẫn đến quá tải, vì số người về từ các quốc gia có dịch là quá đông. Do đó, cần phân loại các nhóm đối tượng cách ly, đối tượng ở vùng dịch thì cách ly, người không từ vùng dịch thì theo dõi, giám sát... 

Không để dịch lây lan ở Việt Nam

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến nay đã 20 ngày chúng ta chưa có ca nhiễm mới, đây là một tin vui đối với thế giới cũng như nhân dân cả nước vì Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, có giao thương mạnh với Hàn Quốc. Kết quả đó có sự ủng hộ của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vai trò to lớn của quân đội, công an, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, sự đồng lòng của toàn dân, vai trò quan trọng của truyền thông.

Thủ tướng cũng cho rằng, dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, tử vong nhiều, nguy cơ tiềm ẩn đối với Việt Nam vẫn cao. Do đó, các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 vẫn phải tiếp tục quyết liệt, đồng bộ. Tinh thần là không được lơ là, cũng không tạo tâm lý sợ hãi; không được ngưng trệ mọi việc, nhưng không được chủ quan. Không phân biệt đối xử nhưng với bất cứ ai đi qua vùng có dịch đều phải thực hiện cách ly nghiêm túc. “Không được có sự chủ quan, chần chừ và lơ là nào. Tất cả các cấp, các ngành, địa phương phải quyết liệt trong phòng chống dịch Covid-19. Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bảo vệ thương hiệu Việt Nam, một đất nước an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra khắp các châu lục”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các giải pháp cách ly mạnh mẽ, kiên quyết để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả cao nhất, không để quá tải do số người đông. “Dịch không trừ một ai, vì thế tinh thần phòng chống dịch phải có ở từng đơn vị, từng người dân. Thái độ của chúng ta quyết định hiệu quả phòng chống dịch. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân. Kinh tế khó khăn có thể tìm biện pháp hỗ trợ nhưng sức khỏe người dân phải đặt lên hàng đầu, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm mục tiêu này. Các cấp, các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm nguyên tắc đó”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, Chính phủ quán triệt người dân ở vùng dịch hạn chế vào Việt Nam, nếu vào phải được cách ly, không để những cá nhân ở vùng dịch mang bệnh đến Việt Nam và lây lan. Việt Nam đã làm tốt điều này trong thời gian qua, cần tiếp tục thực hiện tốt trong thời gian tới. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam nhất quán quan điểm thông tin minh bạch, chuẩn xác đến quốc tế về tình hình chống dịch của Việt Nam, để người dân hiểu rõ, không hoang mang, sợ hãi, bình tĩnh ứng phó và chủ động phòng dịch. 

Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng cho rằng dịch đã lan rộng gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp mạnh mẽ. Do đó, Việt Nam tiếp tục cách ly những người đến từ vùng có dịch, huy động phương tiện, lực lượng, nguồn lực để thực hiện việc cách ly, trừ các chuyên gia, người có hộ chiếu công vụ được kiểm soát chặt chẽ về yếu tố dịch tễ. Thủ tướng cho rằng, hiện nay cách ly vẫn là giải pháp hiệu quả nhất. “Không được chần chừ, thỏa mãn mà phải tiếp tục chống dịch như chống giặc, với thái độ quyết liệt nhất”, Thủ tướng nói và cho rằng công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để thế giới, nhân dân hiểu rõ Việt Nam quyết tâm phòng chống dịch, để Việt Nam là điểm đến an toàn. Thủ tướng yêu cầu bảo đảm các điều kiện tối thiểu về vật tư y tế, vật dụng sinh hoạt, ăn ở tại khu cách ly, tạo thuận lợi cho người bị cách ly, thể hiện được lòng hiếu khách của người Việt Nam.

Ngày 2-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội cùng các sở, ngành và một số quận, huyện liên quan về công tác phòng chống dịch Covid-19. Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, một trong những giải pháp hàng đầu trong phòng chống dịch Covid-19 là phải cách ly ở mọi cấp độ đối với những người có nguy cơ lây nhiễm, từ cách ly tập trung đến cách ly tại gia đình, cộng đồng; rà soát tất cả những người đi về từ vùng dịch chưa qua 14 ngày để giám sát, theo dõi sức khỏe. (KHÁNH NGUYỄN)

Tin cùng chuyên mục