Kiến tạo, đồng hành phục vụ người dân, doanh nghiệp

Hậu Giang đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Với phương châm Kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Hậu Giang chọn chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn làm mũi đột phá trong 5 năm tới.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại lễ công bố các hệ thống thông tin, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại lễ công bố các hệ thống thông tin, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh

Nhiều điểm sáng

“Hơn 16 năm thành lập, từ một tỉnh thuần nông, có xuất phát điểm thấp ở ĐBSCL; với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương; sự hợp tác, hỗ trợ của các địa phương; sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang đã phát huy mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhận định khi dự và chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã chung sức, nỗ lực đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Hậu Giang đạt 6,3%/năm (giai đoạn 2011-2015 là 6,27%/năm). Mục tiêu chuyển đổi kinh tế theo hướng công nghiệp hóa được đẩy mạnh: tốc độ tăng trưởng của khu vực II là 11,37%/năm (đạt cao nhất so với khu vực I và khu vực III, lần lượt là 1,88% và 6,23%). Quy mô kinh tế tỉnh tăng gần 1,5 lần so với thời điểm đầu nhiệm kỳ, cụ thể: GRDP tăng từ 25.247 tỷ đồng năm 2015 lên 36.438 tỷ đồng năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên 41 triệu đồng/năm, tăng 16 triệu đồng so với năm 2015. 

" Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết; thi đua phấn đấu tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào việc biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới; đưa vùng đất, con người Hậu Giang với những con sông nặng tình phù sa, những cánh đồng bát ngát bao la, những con người hiền hậu vị tha đã ấn tượng lại càng ấn tượng hơn trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế"
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Đối với tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ vừa qua, toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục ổn định, duy trì và phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, lãnh đạo cán bộ đảng viên và nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, với nhiều điểm sáng nổi bật về phát triển kinh tế, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục - đào tạo và thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hậu Giang vẫn còn là tỉnh nghèo; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, lại phải ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở đất… Chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, thách thức, chúng ta phải nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, phát huy truyền thống anh hùng của quê hương Hậu Giang, kế thừa những thành tựu đã đạt được, với phương châm “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, xây dựng Hậu Giang giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đầu tư mạnh vào chuyển đổi số

 “Với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác trên cả nước, để tạo sự chuyển biến đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Hậu Giang phải tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh đặc thù. Và Hậu Giang lựa chọn chìa khóa cho sự phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số.  Đây được xác định là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025”, đồng chí Lê Tiến Châu cho biết. 

Trong 2 năm qua, Hậu Giang đã có những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Hậu Giang cũng là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng người dân khai báo y tế thông qua ứng dụng NCOVI, tạo cơ sở nền tảng trong phòng chống dịch Covid-10 của tỉnh.

Mới nhất, là trong tháng 10-2020, Hậu Giang đã đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh với các tính năng giám sát cụ thể: cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống giám sát, điều hành giao thông, hệ thống giám sát an ninh trật tự xã hội.

Trong 3 tháng vận hành thử nghiệm vừa qua, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường (qua Hậu Giang app) đã tiếp nhận, phân loại và xử lý nhanh các vấn đề mà người dân và doanh nghiệp phản ánh một cách hiệu quả. Ngoài ra, trung tâm cũng là nơi thu thập dữ liệu kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau đưa về hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung; tổng hợp các báo cáo thống kê, báo cáo biểu đồ, báo cáo phân tích chuyên sâu phục vụ việc hỗ trợ ra các quyết định của tỉnh.

Theo ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Hậu Giang, hiện trung tâm đã có 115 dịch vụ công trực tuyến và sẽ nâng lên trên 400 dịch vụ công mức độ 3-4 vào cuối năm 2020. 

Đây là cơ sở quan trọng để Hậu Giang chọn thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp - là một trong 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. 

“Thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV là nguồn sức mạnh hết sức to lớn, cổ vũ mạnh mẽ đối với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trên tinh thần ấy, ngay sau đại hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến các cấp ngành và các tầng lớp nhân dân, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét và có hiệu quả trên các lĩnh vực”, đồng chí Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Theo đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá. Để thực hiện mục tiêu cao cả đó, Hậu Giang mạnh dạn đề xuất và thông qua 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 nhiệm vụ đột phá, 18 chỉ tiêu chủ yếu và 4 nhóm giải pháp lớn, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ quá trình triển khai mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 5 năm tới. Toàn Đảng bộ đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm đưa Hậu Giang phát triển giàu đẹp, văn minh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục