Kiến tạo và hành động cho tương lai

Xâm nhập mặn, sạt lở ở ĐBSCL, ô nhiễm không khí ở đô thị TPHCM, Hà Nội… đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nguyên nhân gây ra những hệ lụy này một phần là do thiên tai, nhưng phần chính vẫn là do tác động gián tiếp của con người. Để có thể giảm thiểu những tác động từ thiên tai đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đồng bộ các giải pháp và có sự đồng thuận từ Nhà nước và cộng đồng.
Công trình thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An)
Công trình thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An)

Dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, hiện nay và trong thời gian tới, ĐBSCL phải đương đầu với 2 thách thức: từ khu vực và từ chính hoạt động của con người. Thách thức từ khu vực, đó là việc khai thác nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sông Mê Công sang lưu vực sông khác và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê Công từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống, trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng do áp lực của việc gia tăng dân số và phát triển nông nghiệp. Thách thức tại địa bàn, ngoài mất rừng ngập mặn và rừng tràm, còn đến từ khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt trầm tích. Từ khai thác quá mức nước ngầm làm sụt lún, từ phát triển nông nghiệp vẫn thiên về số lượng dẫn đến tài nguyên bị kiệt quệ và tài nguyên nước bị lãng phí. 

Theo dự báo, nhiệt độ trung bình của khí quyển sẽ tăng, các tình huống cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn, thời gian kéo dài và cường độ ngày càng mạnh. Bão trong vùng cận xích đạo sẽ nhiều hơn. Mực nước biển dâng cao sẽ uy hiếp những vùng ven biển và các châu thổ, trong đó có châu thổ sông Mê Công, là một trong 3 địa bàn bị đe dọa nhất. ĐBSCL phải đối mặt với ngập, lún chìm, bờ biển bị xâm thực và mặn theo triều ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng. 

Trong khi ĐBSCL đang phải chịu nhiều ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, sạt lở, nước biển dâng thì người dân ở Hà Nội và TPHCM lại đang phải chịu nhiều tác động do ô nhiễm không khí. Những ngày qua, chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn luôn ở mức nguy hại, ảnh hưởng tới sức khỏe. Ô nhiễm môi trường không chỉ tác động tới chất lượng sống của người dân đô thị, mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của đô thị đó. Sự yếu kém trong kiểm soát ô nhiễm cũng ảnh hưởng tới niềm tin của người dân đối với các cơ quan chức năng. 

Cần sự đồng thuận giữa chính quyền và cộng đồng

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến những hậu quả như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải... phần lớn vẫn chính là do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của con người. Con người khai thác, sử dụng tài nguyên rừng, khai thác nước ngầm, xả rác một cách vô tội vạ, làm cho nguồn tài nguyên này đang bị cạn kiệt và gây tác động ngược trở lại cuộc sống của con người. 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân phân tích thêm, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, công bằng và tiến bộ xã hội là 3 trụ cột của phát triển bền vững. Quản lý nhà nước có vai trò quyết định đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đầu ra của mọi dự án đầu tư, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước, phải nằm trong phần giao của 3 trụ cột. Muốn vậy phải giải quyết tình trạng “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp” và phải dứt khoát coi trọng chất lượng khi đề ra mục tiêu tăng trưởng. Trong khi đó, vai trò của cộng đồng xã hội (bao gồm cộng đồng dân cư, các hội, các hình thức hợp tác, các doanh nghiệp, các trường...) cũng quyết định không kém, bởi con người là một thành tố của môi trường, vừa tác động lên môi trường vì sự sung túc của chính mình, vừa gánh chịu hậu quả của những tác động đó nếu chúng sai quy luật. Sự đồng điệu giữa quản lý nhà nước và cộng đồng xã hội là nền tảng cho phát triển bền vững. Tạo ra sự đồng điệu đó chính là vai trò của nhà nước kiến tạo. 

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cũng nhìn nhận để giải quyết những vấn đề môi trường hiện nay, rất cần sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng. Khi chính quyền thắt chặt quy định, đẩy mạnh thực thi và người tiêu dùng có ý thức hơn về môi trường, các doanh nghiệp cũng phải chú trọng cải thiện hiệu suất môi trường và tuân thủ quy định. Với tư cách là người dân cũng như người tiêu dùng, chúng ta có thể lựa chọn sản phẩm dựa trên hiệu suất môi trường của thương hiệu, bằng cách chọn các sản phẩm và nhà sản xuất thân thiện với môi trường.

Chúng ta cần bỏ những thói quen cũ và tạo ra những thay đổi tích cực mà chúng ta muốn thấy, từ cách thức phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, sản xuất hàng hóa, lựa chọn hàng hóa hàng ngày, cách thức mua sắm hay đi lại. Giữ cho các thành phố xanh sạch là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn về hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với các hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí ở nước ta đã gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 9,86 - 12,45 tỷ USD vào năm 2013. Riêng TPHCM, con số thất thoát do ô nhiễm không khí là 117 - 183 triệu USD. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay là do lượng phát thải từ hoạt động giao thông. Bên cạnh đó là các nguồn thải từ công nghiệp, xây dựng.

Tin cùng chuyên mục