Chuyện gia cầm giết mổ bị bơm đầy nước có thể được xếp vào loại “chuyện xưa” của ngành thú y. Giữa thập niên 1980, đây là hiện tượng phổ biến ở những chợ buôn bán, giết mổ gia cầm ở TPHCM và nhiều tỉnh thành. Trước đó, để làm tăng trọng gia cầm khi giết mổ, kẻ xấu đã nhét vào bụng gia cầm xác vỏ đậu xanh, nhưng sau đó cách làm này được thay thế bởi việc bơm nước nhanh và tiện hơn.
Thập niên 1990, lực lượng thú y phát hiện thịt heo ở các chợ đầu mối (nay đã di dời) như Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) và An Lạc (huyện Bình Chánh, nay là quận Bình Tân) để lâu bị rỉ nước. Sau đó, thú y bắt quả tang mánh khóe này của các lò mổ, trước khi giết mổ, heo bị cột chân, xếp thành hàng để bơm nước. Do bị kiểm soát và quản lý khá chặt nên sau đó tình trạng này tạm thời lắng xuống, nhưng chưa thể nói hoàn toàn chấm dứt. Do kiếm tiền dễ dàng nên đến thập niên 2000, tình trạng bơm nước đã lan sang cầy tơ. Lúc đó, trên những con đường nhánh trước khi rẽ sang quốc lộ 1A, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh (TPHCM) xuất hiện tình trạng người vận chuyển loài vật giữ nhà này dừng xe tại các rạch nước đen để bơm nước.
Việc bơm nước vào gia súc, gia cầm làm chất lượng thịt bị suy giảm nhanh là điều ai cũng biết, nhưng quan ngại hơn là việc lấy nước từ sông rạch bơm vào gia súc sẽ bị lây nhiễm thêm vi khuẩn là nỗi lo khác. Hình ảnh xấu đó cũng bị phát hiện và chấm dứt kiểu làm ăn bất chính diễn ra giữa ban ngày. Nhưng có chấm dứt hẳn hay không thì không ai có thể khẳng định. Vài năm nay, lực lượng thú y phát hiện thêm nạn bơm nước lan sang trâu, bò.
Trong khi đó, tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã là vấn nạn của ngành thủy sản hàng chục năm qua và hiện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Trước đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cùng Bộ NN-PTNT phối hợp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát động chiến dịch nói không với tạp chất trong tôm. Khởi đầu của sự việc này là đưa kim loại, chủ yếu là đinh vào tôm khi sơ chế, nhưng việc làm này rất dễ bị phát hiện nên sau đó bơm agar vào tôm được xem như một “tối kiến” mà đến nay vẫn là nỗi lo lắng của các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu.
Tình trạng bùng phát mạnh đến mức có hẳn đội ngũ bơm tạp chất chuyên nghiệp, tinh vi với giá 100 - 200 đồng/con. Thậm chí xuất hiện cả xóm cùng bơm tạp chất với đội ngũ giám sát từ xa khá chặt chẽ. Vấn đề là việc quyết liệt của Vasep và Bộ NN-PTNT chưa có sự hưởng ứng đồng bộ giữa các tỉnh nên địa phương này làm mạnh thì chuyển qua địa phương khác nên vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Tình trạng này có dịp bùng phát trở lại khi thời gian qua thương lái Trung Quốc vào mua tôm ở các vùng nguyên liệu theo kiểu thu gom, không thể kiểm soát.
Mới đây, trạm trung chuyển thủy sản Metro Cần Thơ phát hiện một số loại cá lớn, như cá chẽm bị bơm nước có nguồn gốc từ Cà Mau, cá có bụng căng tròn, vảy cá bung ra. Thậm chí có cả tình trạng nhét cá nhỏ vào bụng cá lớn để tăng trọng. Rõ ràng, khi xử lý không nghiêm, hình phạt chưa đủ sức răn đe thì cái xấu có điều kiện tồn tại và lan rộng.
Đăng Lãm