Kinh hoàng mũi bị hoại tử sau tiêm filler nâng mũi

Chị Đ.Th.M. (23 tuổi, ở Phú Thọ) đã tới một cơ sở spa ở Hà Nội để nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy filler (VINCI, crosslinked hyaluronic acid). Tuy nhiên, sau khi tiêm filler được một ngày, mũi của chị M. bị tấy đỏ và tiết dịch. 

Ngày 4-6, bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị biến chứng nguy cơ hoại tử mũi do tiêm filler để nâng mũi tại một cơ sở spa ở Hà Nội. Bệnh nhân này là chị Đ.Th.M. (23 tuổi, quê ở Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng mũi bị biến chứng, sưng nề tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi.

Trước đó, chị M. đã tới một cơ sở spa ở Hà Nội để nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy filler (VINCI, crosslinked hyaluronic acid). Tuy nhiên, sau khi tiêm filler được một ngày thì mũi của chị M. bị tấy đỏ và tiết dịch. Lúc này, chị M. liền quay lại spa và đã được nhân viên tại đây tiêm thêm Hyalurolidase. Sau mũi tiêm này, mũi bệnh nhân M. giảm màu đỏ nhưng mũi sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi.

Kinh hoàng mũi bị hoại tử sau tiêm filler nâng mũi ảnh 1 Mũi của bệnh nhân M. bị sưng tấy và có nhiều ổ dịch, mủ sau khi tiêm chất làm đầy filler để nâng mũi

Sau khi tới Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán toàn bộ tháp mũi bệnh nhân M. bị sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch.

Theo bác sĩ Kiêm, với trường hợp bệnh nhân M. rất khó tiên lượng vì chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá hủy tế bào nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.

Bác sĩ Kiểm cũng cảnh báo, nhiều người nghĩ tiêm chất làm đầy filler chỉ đơn giản là một mũi tiêm nhưng thực tế cách tiêm ra sao, tay nghề bác sĩ thế nào thì cần lưu ý. Người thực hiện tiêm phải được đào tạo về thẩm mỹ, da liễu và phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Thực tế, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận nhiều trường hợp làm đẹp tại các cơ sở không uy tín gây biến chứng nặng nề, trong đó có biến chứng sau tiêm filler khá nhiều, nhưng thường gặp nhất là cằm và mũi.

Được biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại filler được quảng cáo với nhiều mức giá khác nhau. Sản phẩm này cũng được nhiều bạn trẻ sử dụng để tiêm nâng mũi, tạo cằm V-line, bơm vào má làm đầy mặt, giảm nếp nhăn... Ưu điểm của tiêm filler là hiệu quả làm đẹp nhanh, tức thì, không cần phẫu thuật, không mất thời gian thực hiện (chỉ khoảng 5 phút), mũi nhìn đẹp tự nhiên, bệnh nhân không phải chăm sóc sau phẫu thuật. Tuy nhiên theo các bác sĩ không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng vì nếu biến chứng thì việc xử lý rất phức tạp, chi phí điều trị cao.

"Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu muộn, phần mũi hoặc cằm hoại tử, bệnh nhân có thể bị dị ứng, nhiễm khuẩn, mất mũi, không thể phục hồi được. Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng..."- bác sĩ Kiêm cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục