Đã đến lúc cần có những biện pháp và chế tài mạnh hơn nữa để những chuyến vui chơi với biển không phải trở về nhà bằng những chiếc xe tang lạnh lẽo.
Không chỉ riêng Bình Thuận, tình trạng du khách đuối nước xảy ra tại hầu hết các tỉnh thành du lịch ven biển, trong đó có Vũng Tàu - thủ phủ du lịch của Đông Nam bộ với “đặc sản” là tắm biển. Cách đây chừng 5-6 năm, cứ mỗi dịp lễ tết, bãi biển Vũng Tàu lại có một vài trường hợp du khách đuối nước; đỉnh điểm là trong 2 năm 2011 và 2012 có tới 41 người thiệt mạng, trong đó phần nhiều là do lọt vào những ao xoáy
nguy hiểm.
Anh Bùi Nguyên Tuấn, cấp cứu viên có hơn 22 năm kinh nghiệm cứu người đuối nước ở khu vực Bãi Sau, cho biết số người tắm biển ngày càng tăng nhưng ý thức của nhiều du khách còn rất hạn chế, trong đó có trường hợp đu bám bẻ gãy các cột cờ cảnh báo nguy hiểm, buông lời thách thức la mắng cấp cứu viên khi bị nhắc nhở. Nghiêm trọng hơn là những người đã uống bia uống rượu, khi đã ngà ngà hơi men thì mặc mọi âm thanh cảnh báo. Tắm biển luôn là mong muốn của khách du lịch khi đến với những tỉnh thành ven biển, nhất là những du khách đến từ vùng núi, vùng ít có điều kiện bơi lội. Thế nhưng, do chưa được trang bị kỹ năng bơi lội, chưa nhận thức được nguy hiểm khi tắm biển, nhiều du khách đã phớt lờ cảnh báo gây nên những vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Để khắc phục tình trạng trên, TP Vũng Tàu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực và trong 3 năm trở lại đây, số người tử vong do đuối nước khi tắm biển Vũng Tàu đã giảm đến 80%, trong đó năm 2017 xảy ra 2 trường hợp và từ 2018 đến nay không có trường hợp nào tử vong. Điểm sáng trong công tác này là việc cấm ăn nhậu ở công viên bãi biển, vừa hạn chế tình trạng say xỉn không chấp hành cảnh báo nguy hiểm, vừa hạn chế được tình trạng đột quỵ do thay đổi môi trường đột ngột khi tắm biển.
Bên cạnh đó, ban quản lý các khu du lịch cũng tích cực trong việc phòng chống, cảnh báo cho du khách về những nguy hiểm khi tắm biển. Không đơn thuần chỉ là những tấm biển cảnh báo hay những cột cờ đen có hình đầu lâu xương chéo đứng im một chỗ, với đặc thù riêng, ban đã được trang bị những còi hụ công suất lớn để cảnh báo, kêu gọi người dân hết giờ tắm biển phải lên bờ. Đội ngũ cấp cứu viên 18 người dày dạn kinh nghiệm cùng với những trang thiết bị cứu nạn như cano, thuyền kayak, loa… sẵn sàng “cưỡng chế”, ép những du khách cứng đầu bơi quá xa quay vào bờ. Ngoài ra, một điểm mới của TP Vũng Tàu hiện nay là tất cả các khu du lịch có hoạt động tắm biển bắt buộc phải có các tổ cấp cứu ứng trực thường xuyên. Đây là trách nhiệm của các khu du lịch trong việc bảo đảm an toàn tính mạng cho du khách và với số lượng hơn 80 cấp cứu viên, gần như đã bao quát được hầu hết các khu vực có đông du khách tắm biển.