Kinh tế số đóng góp 15,3% GRDP của TPHCM

TPHCM lần đầu tiên đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn Thành phố ở góc độ nghiên cứu khoa học. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của TPHCM ước đạt 15,38%, trong khi chỉ tiêu của năm là 15%.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu trước hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu trước hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chiều 29-12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Phát biểu trước hội nghị tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã nhấn mạnh các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số trên địa bàn TPHCM.

Địa phương đầu tiên hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch

Theo đó, năm 2022, UBND TPHCM đã triển khai 6 nhóm giải pháp chuyển đổi số, trọng tâm nhằm thúc đẩy CCHC trong các cơ quan nhà nước tại Thành phố.

Trong đó, quá trình phát triển Kho dữ liệu dùng chung TPHCM, Thành phố đã tập trung vào cơ sở dữ liệu hộ tịch, y tế, giáo dục, doanh nghiệp, người nộp thuế và quản lý đất đai. Riêng về cơ sở dữ liệu hộ tịch, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch, gồm sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con với tổng số trên 12,8 triệu hồ sơ.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM cũng đã tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, trong ngành y tế là việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người dân; xây dựng nền tảng liên thông dữ liệu ngành y tế TPHCM. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là việc tập trung vào cơ sở dữ liệu của giáo viên, học sinh, cơ sở dữ liệu về các cơ sở đào tạo, văn bằng, chứng chỉ.

Trong lĩnh vực đất đai là việc chia sẻ dữ liệu và liên thông giải quyết hồ sơ nhà đất trên địa bàn, thực hiện các giao dịch bảo đảm, chia sẻ dữ liệu đất đai phục vụ cho công tác công chứng…

Ngoài ra, TPHCM cũng xây dựng, triển khai, vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất Thành phố, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống xác thực, định danh theo Đề án 06; áp dụng rộng rãi thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính tại TPHCM.

Một số kết quả tích cực TPHCM đạt được trong năm qua, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức là kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số - DTI – năm 2021 cấp tỉnh, TPHCM xếp hạng 3/63 tỉnh thành, tăng 2 hạng so với năm 2020.

“Đặc biệt, về kinh tế số, TPHCM lần đầu tiên đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn TPHCM ở góc độ nghiên cứu khoa học. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của TPHCM ước đạt 15,38%, trong khi chỉ tiêu của năm là 15%”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Nghiên cứu hình thanh Trung tâm về chính quyền số

Thời gian tới, TPHCM triển khai số hóa hồ sơ, triển khai kết nối, khai thác dữ liệu từ Kho dữ liệu của TP đảm bảo nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt là triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của Thành phố, tập trung vào nhóm dữ liệu phục vụ quản lý đất đai - đô thị; nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; nhóm dữ liệu về phát triển tài chính – doanh nghiệp.

Thời gian tới, TPHCM sẽ nghiên cứu giải pháp, cơ chế hình thành một Trung tâm nghiên cứu và triển khai Chính quyền số của TPHCM. Trung tâm này sẽ thực hiện nhiệm vụ tổ chức tư vấn các quận huyện, sở ngành thực thi Chiến lược dữ liệu, nền tảng số phục vụ xây dựng Chính quyền số, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số theo Chương trình chuyển đổi số TPHCM và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Đồng thời, TPHCM cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế số của TPHCM.

TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thiện và vận hành nhóm 5 nền tảng ứng dụng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành:

1. Hệ thống theo dõi các chỉ tiêu kinh tế xã hội theo thời gian thực

2. Hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Cổng thông tin 1022

3. Hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương

4. Hệ thống theo dõi mức độ chuyển đổi số của các sở ngành, địa phương

5. Xây dựng ứng dụng phục vụ người dân TPHCM tra cứu thông tin trên thiết bị di động.

Tin cùng chuyên mục