Nhu cầu tăng dần
Theo tuyên bố của OPEC, trong giai đoạn 2, bắt đầu từ tháng 8 đến cuối năm nay, sẽ thực hiện cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày. Tuyên bố nhấn mạnh cam kết đầy đủ của tất cả các nước trong việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng; yêu cầu các nước khai thác vượt quy định trong những tháng trước đây nộp kế hoạch đền bù cho Ban Thư ký OPEC từ nay đến cuối tháng 7 này. Theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, với các kế hoạch đền bù của các nước này, mức cắt giảm sản lượng trong tháng 8 và 9 có thể sâu hơn mức 7,7 triệu thùng/ngày, lên đến 8,1-8,3 triệu thùng/ngày.
Trước đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể tăng thêm 7 triệu thùng/ngày vào năm 2021 sau khi ghi nhận mức giảm 9 triệu thùng/ngày trong năm nay. Tuy nhiên, lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang đè nặng lên thị trường và OPEC+ cho rằng dịch Covid-19 bùng phát trở lại có thể gây ra những tác động mạnh mẽ hơn khiến nhu cầu dầu mỏ thế giới có thể giảm đến 11 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Hồi tháng 4 vừa qua, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô 9,7 triệu thùng/ngày - tương đương 10% nguồn cung toàn cầu - trong hai tháng 5 và 6 sau khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu giảm 1/3. Sau đó, các bên quyết định gia hạn thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng này đến cuối tháng 7. Nhờ những biện pháp của OPEC+, giá dầu mỏ đã phục hồi từ mức thấp nhất trong vòng 21 năm qua, dưới 16 USD/thùng hồi tháng 4, lên 43 USD/thùng.
Phục hồi từng bước
Dữ liệu chính thức do Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố ngày 16-7 cho thấy, trong quý 2-2020, tăng trưởng kinh tế nước này hồi phục mạnh hơn so với dự báo sau khi suy giảm kỷ lục do tác động của đại dịch.
Theo NBS, trong 3 tháng vừa qua, GDP của Trung Quốc đã bất ngờ tăng 3,2% khi người lao động đi làm trở lại, các nhà máy và các công ty thận trọng khôi phục hoạt động sau giai đoạn phong tỏa. Mức tăng trưởng này cao hơn mức dự báo 1,3% mà các nhà phân tích đưa ra trong khảo sát do hãng tin AFP thực hiện. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những mức tăng trưởng thấp nhất mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng ghi nhận.
Riêng trong tháng 6 vừa qua, doanh số bán lẻ - chỉ dấu quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc phản ánh niềm tin của người tiêu dùng - đã giảm 1,8%. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này giảm khiến giới chuyên gia thất vọng khi trước đó họ dự báo doanh số bán lẻ sẽ tăng 0,3%.
Có thể thấy, mặc dù các hạn chế đã được nới lỏng, các nhà hàng và cửa hiệu đã mở cửa trở lại nhưng nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Tuy nhiên, tháng 6 cũng ghi nhận một điểm sáng khi sản lượng công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm xuống còn 5,7%, so với mức 5,9% trong tháng trước đó. Một số chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng trong năm 2020 do nước này là quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và dường như cũng là quốc gia đầu tiên hồi phục sau đại dịch.
Trong khi đó, bên kia bờ Đại Tây Dương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết trong tháng 6 vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa thể quay trở lại mức tăng trưởng và triển vọng kinh tế như dự báo do ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về thời gian dịch bệnh kéo dài, gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.