Ký kết 16 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ vải thiều

Ngày 10-6, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015 do Bộ Công thương, UBND TPHCM, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổ chức. Tham dự hội nghị có gần 100 doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ đầu mối và chợ loại 1 của TPHCM cùng đại diện 17 sở công thương của các tỉnh, thành phía Nam. Vấn đề nóng được đặt ra không phải thiếu thị trường tiêu thụ mà chính là chất lượng vải thiều đưa vào phía Nam không tốt và không có những chứng nhận cần thiết.

Ngày 10-6, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015 do Bộ Công thương, UBND TPHCM, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổ chức. Tham dự hội nghị có gần 100 doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ đầu mối và chợ loại 1 của TPHCM cùng đại diện 17 sở công thương của các tỉnh, thành phía Nam. Vấn đề nóng được đặt ra không phải thiếu thị trường tiêu thụ mà chính là chất lượng vải thiều đưa vào phía Nam không tốt và không có những chứng nhận cần thiết.

Theo tính toán của Bộ Công thương, dự kiến vụ vải thiều năm 2015 sẽ đạt tổng sản lượng 250.000 - 300.000 tấn, trong đó tính riêng tỉnh Bắc Giang chiếm khoảng 190.000 tấn, tỉnh Hải Dương khoảng 50.000 tấn, số còn lại thuộc về các tỉnh khác ở miền Bắc. Tiêu thụ nội địa ước khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 40%, chủ yếu là quả tươi. So với những năm trước, năm nay trái vải miền Bắc tiếp tục được mùa. Tuy nhiên, để tìm đầu ra ổn định, tránh tình trạng “dội chợ, rớt giá”, các tỉnh có diện tích trồng vải lớn đã chủ động hợp tác với nhiều tỉnh, thành để bàn biện pháp tăng cường đầu ra cho trái vải.

Tại TPHCM, trong mùa vải 2014, thị trường TP tiêu thụ khoảng 60.000 tấn vải, chiếm 60% tiêu thụ nội địa. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, mùa vụ 2015, TPHCM tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các chợ đầu mối, các hệ thống phân phối tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa trái vải vào tiêu thụ, đồng thời tổ chức nhiều chương trình truyền thông, bố trí quầy kệ tại nơi dễ nhìn, dễ thấy nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đẩy mạnh lượng hàng tiêu thụ, đảm bảo thu nhập tốt nhất cho các nhà vườn. Khả năng tăng sản lượng tiêu thụ tại TP lên 80.000 tấn năm 2015 là hiện thực.

Để việc tiêu thụ trái vải trở thành sản phẩm thương mại bình thường theo từng mùa vụ, không cần phải đặt lên bàn các bộ, ngành chức năng, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các địa phương cần tính đến việc đưa khoa học công nghệ tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất, thu hoạch và chế biến nhằm chủ động hơn trong mỗi mùa vụ. Xây dựng thương hiệu vải thiều cho các vùng chuyên canh, thông qua việc đóng gói và có địa chỉ rõ ràng, cụ thể cũng là điều cần làm để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trong mùa vụ năm nay.

Tương tự, các nhà phân phối tại TPHCM cũng kiến nghị, trái vải đưa vào các chợ đầu mối chưa có chất lượng đồng đều. Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho hay, tính từ ngày 17-5 đến nay, lượng vải về chợ đã đạt khoảng 11.500 tấn, giá bán sỉ bình quân là 16.500 đồng/kg, sức mua khá tốt. Để hỗ trợ các tỉnh, chợ Thủ Đức đã vận động gần 40 thương nhân, đồng thời cho phép mở rộng thêm hơn 30 ô, vựa làm nơi tiếp nhận vải thiều. Theo cảnh báo của các chợ đầu mối, nếu trái vải đưa vào TPHCM không có chất lượng cao, không có các giấy tờ cần thiết để chứng minh cho từng lô hàng như chứng chỉ VietGAP, GlobalGap… sẽ rất khó thuyết phục các thương lái tham gia phân phối mặt hàng này. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart đề nghị, đã đến lúc thành lập Hiệp hội vải thiều để thực hiện điều phối hàng hóa tốt hơn. Về lâu dài, cần đăng ký bảo hộ thương hiệu trái vải Việt Nam. Nếu không có sự bảo hộ toàn cầu thì nguy cơ mất thương hiệu là rất lớn.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cũng kiến nghị, 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang cần làm việc cụ thể với 3 chợ đầu mối để bàn biện pháp đưa hàng hóa vào chợ ngày càng tốt hơn. Hiện TPHCM đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho 3 chợ đầu mối, thương hiệu phải gắn với chất lượng thì hàng hóa mới có giá trị cao, trái vải cũng không là ngoại lệ.

Dịp này, đã có 16 doanh nghiệp phân phối, công ty kinh doanh nông sản ký kết 16 bản hợp đồng ghi nhớ cung ứng và tiêu thụ trái vải với 2 huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương).

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục