Ngày 7-1, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN). Theo Bộ Tư pháp, tính từ khi luật có hiệu lực (1-1-2010) đến ngày 31-12-2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%) với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng; 54 vụ việc còn lại vẫn đang tiếp tục giải quyết. Đến nay, ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) là cá nhân nhận được số tiền bồi thường oan sai lớn nhất (gần 30 tỷ đồng).
Xác định lỗi công chức quá khó?
Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đã thụ lý, giải quyết trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án là không nhiều, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực thi pháp luật và chế độ công vụ của đội ngũ công chức, nhất là trong hoạt động quản lý hành chính. “Thống kê cho thấy có tới 20 bộ, cơ quan ngang bộ và 39 địa phương không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính; trong khi đó các cơ quan quản lý hành chính hàng năm phải giải quyết rất nhiều khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức, đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, cấp, thu hồi đất đai” - ông Nguyễn Văn Bốn cho biết. Đáng lưu ý là trong 6 năm qua chỉ có 22 vụ việc mà cán bộ thực thi sai công vụ phải chịu trách nhiệm hoàn trả bằng tiền túi, với tổng số tiền gần 677 triệu đồng.
Lý do của bất cập trên, được nhiều đại biểu tại hội nghị chia sẻ, là việc xác định các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; xác định mức thiệt hại được bồi thường gặp nhiều khó khăn (nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự). Chưa có cơ quan chuyên giải quyết bồi thường; đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự, chính cơ quan có thẩm quyền tố tụng (đã làm oan) lại được giao trách nhiệm giải quyết bồi thường; trong khi Luật TNBTCNN chưa quy định cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Mức bồi thường thiệt hại cũng chưa được lượng hóa… Thêm vào đó, quy định của Luật TNBTCNN về trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật còn chưa rõ ràng, dẫn đến việc xem xét trách nhiệm kỷ luật đối với công chức có hành vi trái pháp luật làm phát sinh thiệt hại khá tùy tiện trong việc quyết định các hình thức kỷ luật. Trong khi đó, mức hoàn trả của công chức có hành vi trái pháp luật chưa đảm bảo tính răn đe nhằm nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, hạn chế làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Kỷ luật tương xứng với vi phạm
Theo dự báo, số tiền mà ngân sách nhà nước sẽ phải trích ra để bồi thường oan sai trong thời gian tới còn tăng mạnh khi các vụ việc tồn đọng, đang trong quá trình “thương lượng” được giải quyết dứt điểm. Nhưng điều quan trọng hơn là cần đảm bảo thực hiện các quyền được Hiến định của người bị oan. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Luật TNBTCNN đang được xem xét, sửa đổi với nhiều nội dung căn bản. Theo đó, bổ sung một số quy định về trường hợp bồi thường do bị bắt trái pháp luật; trường hợp công chức giữ chức vụ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc trái pháp luật; bổ sung trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại gây ra khi thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng; trường hợp gây thiệt hại do quản lý tài sản của Nhà nước vào phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong một số trường hợp cụ thể.
Phạm vi thiệt hại được bồi thường cũng được mở rộng; đồng thời với việc cụ thể hóa một số mức thiệt hại được bồi thường. Việc giải quyết bồi thường sẽ được giao cho cơ quan chuyên trách đại diện Nhà nước thực hiện… Quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại trong việc thực hiện công khai xin lỗi người bị thiệt hại cũng đã được đưa vào dự thảo luật. Để khắc phục việc công chức tắc trách làm sai, ngân sách phải chi trả, dự thảo luật đã quy định nguyên tắc mọi trường hợp công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đều phải chịu trách nhiệm kỷ luật; bổ sung các hình thức xử lý kỷ luật theo hướng quy định các hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi vi phạm của người thi hành công vụ.
ANH THƯ