Nhà văn Mai Bá Ấn, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm: “Có thể nói đóng góp về văn học của nhà thơ Tế Hanh được chia thành 2 giai đoạn lớn, trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, thành tựu thơ Tế Hanh chủ yếu gắn với phong trào Thơ mới. Ông sáng tác từ sớm, đặc biệt từ khi ra học trường Quốc học Huế. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám 1945, sự nghiệp văn học của Tế Hanh rộng mở với cả sáng tác, dịch thuật và viết phê bình”.
Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh 20-6-1921 tại làng Đông Yên (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Tế Hanh bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi với bài thơ đầu tiên “Những ngày nghỉ học”, sau đó ông tiếp tục sáng tác và tập hợp thành tập thơ “Nghẹn ngào”. Năm 1941, Tế Hanh và thơ của ông gồm 4 bài “Quê hương”, “Lời con đường quê”, “Vu vơ”, “Ao ước” được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942).
Cuộc đời sáng tác của nhà thơ Tế Hanh đã nhận được nhiều giải thưởng văn học, như: Giải Tự lực văn đoàn năm 1939; trong kháng chiến ông nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng; đến năm 1996, ông chính thức được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tế Hanh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã đến thắp hương, dâng hoa tưởng niệm.