Kỷ niệm 43 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên (5-5-1975 - 5-5-2018): Những đòi hỏi, kỳ vọng từ bạn đọc

Nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày Báo SGGP ra số báo đầu tiên, nhiều bạn đọc đã chân tình nêu ý kiến đóng góp để SGGP không ngừng lớn mạnh, vừa giữ vững định hướng thông tin vừa là món ăn tinh thần bổ ích của mọi người.

Báo SGGP xin trích giới thiệu một số ý kiến rất thẳng thắn của bạn đọc, xem đó là áp lực thôi thúc tập thể những người làm báo SGGP phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Chú trọng vai trò “tiếng nói của nhân dân TPHCM”

Là cộng tác viên của Báo SGGP liên tục 20 năm qua, tôi nhiều lần góp ý nhiều điều về nhiều lĩnh vực lên mặt báo, và thấy rõ ý kiến của mình đã được tiếp thu. Chẳng hạn, nhiều năm trước, chợ Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) thường xuyên lầy lội vào mùa mưa, không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân mà còn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi tôi chụp ảnh gửi đăng bài góp ý về việc này, chợ được cải tạo lại, trải bê tông, sắp xếp quầy hàng để việc mua bán, đi lại được tiện lợi.

Hay lúc trước, giao thông dưới chân cầu Bình Triệu rất lộn xộn, do dòng xe đan xen cắt ngang quốc lộ 13, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ý kiến ngắn của tôi về việc này cũng được tiếp thu và chấn chỉnh… 43 năm qua, có hàng vạn ý kiến thiết thực, có tính xây dựng cao của rất nhiều người dân được đăng lên báo SGGP, đã được các cơ quan chức năng lắng nghe, ghi nhận và khắc phục. Cũng có rất nhiều phản ánh của người dân được phóng viên của báo xác minh, ghi nhận, phản ánh, từ đó dẫn đến những xử lý rốt ráo của các cơ quan chức năng liên quan. Sức mạnh của báo chí được phát huy ở nhiều nguồn, nhưng trong đó nguồn từ tiếng nói của người dân là hết sức mạnh mẽ.

Đại diện Báo SGGP trao học bổng tặng học sinh nghèo dân tộc thiểu số ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: MINH THANH
Dù vậy, Báo SGGP cần tiếp tục chú trọng thực hiện vai trò “tiếng nói của nhân dân TPHCM” bằng nhiều cách thức hơn nữa. Việc tổ chức tiếp bạn đọc, lập đường dây nóng, đưa lên trang báo các mục Ý kiến bạn đọc, Vấn đề bạn đọc quan tâm, Từ thư bạn đọc, Cơ quan trả lời… là những cách tương tác rất cần thiết với bạn đọc, song Báo SGGP vẫn cần có thêm nhiều hình thức khác để tiếp thu, tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. Chẳng hạn, nên khuyến khích bạn đọc gửi ý kiến, hình ảnh, bình luận cho các tin bài đã đăng trên SGGP Online, có chế độ bồi dưỡng hợp lý cho những thông tin, phản ánh bình luận hay - dĩ nhiên cần đi kèm chế độ kiểm soát tính chính xác và các yêu cầu khác một cách nghiêm ngặt.
Các ý kiến người dân góp ý, phản ánh đăng trên báo cũng cần được gửi đến các cơ quan có trách nhiệm để có biện pháp kiểm tra, xử lý, khắc phục một cách hợp lý nhất. Trong trường hợp cần thiết, Báo SGGP làm cầu nối giữa người phản ánh và cơ quan chức năng, để đôi bên có thể chia sẻ đầy đủ hơn các vấn đề liên quan. Hàng quý hoặc hàng năm, Báo SGGP nên có một giải thưởng dành riêng cho các ý kiến, các đóng góp xuất sắc của bạn đọc.

Việc chú trọng lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của nhân dân TPHCM chính là cách để Báo SGGP làm đậm thêm, dày thêm vai trò “cơ quan của Đảng bộ TPHCM”, bởi khi đó, tờ báo thực sự là cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền với người dân TP, để ý Đảng thực sự hợp lòng dân.

NGUYỄN MINH HẢI (quận 3, TPHCM)

Báo Đảng phải đi đầu trong công cuộc chống tham nhũng

Nhớ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, SGGP là tờ báo đàn anh, dẫn dắt thị trường báo chí phía Nam, thậm chí là cả nước. Không quá lời khi nhiều người cho rằng “đọc tờ SGGP là biết hết, hiểu hết, chính xác”. Vị trí ấy dần phai nhạt trong cơn lốc bùng nổ các đầu báo thị trường. Phải chăng thế hệ làm báo SGGP hiện nay kém hơn các nhà báo tiền bối? Tôi và nhiều người không tin như vậy! Khi càng ngày công nghệ càng phát triển, thế hệ làm báo hiện nay có nhiều điều kiện hơn các thế hệ đi trước, vậy họ có cái gì “vướng chân”?

Có một điều chắc chắn rằng những người làm báo SGGP không bị tai tiếng về tệ phong bì, nhũng nhiễu doanh nghiệp, bẻ cong ngòi bút. Nhưng cũng có một sự thật khác không thể tránh né: Tờ báo SGGP ngày càng vắng trên sạp, thông tin chưa thật nhanh nhạy, đôi khi là giữ mình đến độ bỏ mất trận địa hay “đi sau cho chắc”.

Nhiều độc giả gắn bó lâu năm với Báo SGGP không thể không tiếc cho một tờ báo “đi trước về sau”. Bây giờ mua được tờ SGGP từ các sạp báo là điều không dễ. Các cụ hưu trí lão thành được nhận báo biếu do Thành ủy TPHCM tặng, còn các đối tượng khác muốn mua báo SGGP phải đăng ký mua báo tháng.

Thời gian gần đây, có vẻ SGGP đua tranh trên thị trường báo chí như một nỗ lực, tuy nhiên phong độ lại không đều, chưa tìm lại được đẳng cấp dẫn dắt thị trường, định hướng dư luận. Nhiều vụ án lớn, SGGP đưa chậm, độ phủ không rộng, thông tin thiếu tính “bản báo”, độc quyền. Thay vào đó, nhiều trang với “bài to, hình lớn” mà nội dung không gắn với dân sinh nên bạn đọc chẳng buồn để mắt. Bạn đọc không hề quên điều mà lãnh đạo ngành Tuyên giáo từng nhắc đi nhắc lại: Báo Đảng phải đi đầu, phải định hướng dư luận. Điều này SGGP chưa làm tròn. Tờ báo vào tuổi 43, phải chăng đã già? Thời gian chỉ là thước đo chiều dài lịch sử, không phản ánh đẳng cấp và phong độ của đội ngũ làm báo.

Hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng lĩnh xướng và phát động, được dư luận người dân trong nước hưởng ứng và cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Từ vài vụ án ban đầu mà người ta hoài nghi ngờ vực cho là “làm màu, phe cánh đánh nhau”, đến nay ai cũng nhìn nhận cuộc chiến này là quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm.

Trong hành trình ấy, Báo SGGP đã làm được gì, định hướng dư luận ra sao? Tôi và nhiều đồng nghiệp, bạn bè vẫn mong mỏi SGGP phải là tờ báo đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng phát động, phải đánh mạnh, đánh trúng vào cái xấu, cái ác, từ tham nhũng của công đến phá rừng, làm thuốc giả, vấn nạn trong giáo dục, dân sinh… Không chỉ đăng đúng, đăng trúng, mà nội dung phải hay, hấp dẫn bằng những bài phóng sự điều tra mà người dân quan tâm, phản bác những thông tin giả, sai lệch.

Mong rằng sau lần sinh nhật thứ 43 này, đội ngũ những người làm báo SGGP tổng hợp những ý kiến góp ý của bạn đọc để có bước đổi thay phù hợp, lấy lại đẳng cấp và phong độ của một tờ báo đàn anh vốn là chỗ dựa tin cậy của người dân.

LÊ HUYỀN TRÂM (quận Bình Thạnh, TPHCM)

Đổi mới nội dung lẫn hình thức để tờ báo sinh động hơn

Tôi là độc giả báo SGGP ngay từ số báo đầu tiên khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Ban đầu, lý do duy nhất tôi làm độc giả SGGP đơn giản là vì nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, vì tôi là cán bộ nhà nước. Rồi gần 20 năm nay tôi làm cộng tác viên Báo SGGP. Với ngần ấy năm gắn bó với SGGP, tôi xin nêu một góc nhìn mà tôi rất tâm đắc đối với tờ báo Đảng.

Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, SGGP đã làm một cách nhẹ nhàng, không thô thiển; tôn trọng độc giả qua việc không cường điệu, lạc quan tếu hay bi quan thiếu căn cứ trong từng bản tin, bài viết; không chạy theo thị hiếu của một bộ phận độc giả thích những vấn đề “nóng, giật gân”. Tuy nhiên, trước thực trạng “nhà nhà làm báo, người người làm báo”, báo giấy, báo mạng, trang tin điện tử, mạng xã hội… thượng vàng hạ cám, thiết nghĩ SGGP cũng nên tự làm mới mình một chút.

Nên chăng, SGGP đôi lúc cũng cần chú ý việc “giật tít” thu hút sự chú ý của người đọc, để vừa làm cho nội dung tờ báo thêm sinh động, vừa hội nhập xu thế báo chí thời công nghệ thông tin. Song song đó, SGGP cũng nên sử dụng văn phong và một số từ dân dã, phổ thông, tạo sự gần gũi, dễ đọc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, thu hút độc giả, báo cũng cần luôn đổi mới nội dung lẫn hình thức.

TÚ NGUYÊN (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Báo SGGP cần đi trước một bước

Tôi là bạn đọc của SGGP từ ngày ra trường về làm công chức tại cơ quan nhà nước (báo do cơ quan mua). Nay, khi nghỉ hưu, tôi được Thành ủy tặng báo SGGP nên vẫn được đọc SGGP hàng ngày. Nhân kỷ niệm 43 năm ngày SGGP ra số báo đầu tiên, tôi có một số ý kiến góp ý.

Báo SGGP là cơ quan của Đảng bộ TPHCM, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, do vậy báo không chỉ truyền tải thông tin, chủ trương chính sách mà còn tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách. Độc giả Báo SGGP luôn đòi hỏi báo đưa thông tin nhanh và chính xác những sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… cả trong và ngoài nước. Do vậy, Báo SGGP phải rất khéo léo và cần nhiều nỗ lực để thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình, thật nhuần nhuyễn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và cạnh tranh báo chí.

Tôi nhận thấy Báo SGGP chưa đáp ứng thật tốt yêu cầu đó. Các phóng viên của báo cần đi trước một bước trong việc định hướng dư luận, đưa những vấn đề bạn đọc quan tâm và những thông tin “nóng” đến thật nhanh và chính xác tới người đọc.

Báo nên có nhiều bài viết khen - chê, những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; và chú trọng viết về những khó khăn, bức xúc của người dân trong cuộc sống. Cũng nên có những thông tin cần thiết, hữu ích cho người đọc về cách phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai, kỹ năng thoát hiểm để người dân tự cứu mình.

Căn cứ thực tế những vấn đề nóng của TPHCM hay của cả nước, báo nên lần lượt mở các diễn đàn, thí dụ như về chống ùn tắc giao thông, chống bệnh thành tích, chống thực phẩm bẩn, chống lấn chiếm vỉa hè, chống nạn bạo hành, lành mạnh môi trường học đường…, để bạn đọc (thường là người trong cuộc) được tham gia góp ý, kiến nghị giải pháp, và để các ngành chức năng liên quan, những người có trách nhiệm quản lý có góc nhìn khách quan hơn.

Tin cùng chuyên mục