* Trao Giải báo chí quốc gia lần thứ VII năm 2012
(SGGP).- Tối 21-6, lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ VII năm 2012 và kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã long trọng diễn ra tại Hà Nội. Đến dự, có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan báo chí…
Giải báo chí quốc gia năm nay trao thưởng cho các tác phẩm báo chí sáng tác năm 2012, có 5 tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc nhất trong số 1.450 tác phẩm thuộc các thể loại báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử gửi dự thi được trao Giải A. Hơn 100 tác phẩm khác được trao Giải B, Giải C và Khuyến khích.
Trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội trong nước cũng như trên thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, các tác phẩm đã phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng những nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, đưa đất nước vượt qua thách thức. Nhiều tác giả đi sâu giới thiệu những cách làm hay, nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trên mọi mặt đời sống xã hội, vừa mang tính thời sự vừa có ý nghĩa nhân văn cao cả.
Với trách nhiệm xã hội của báo chí, nhiều tác phẩm đã đi đầu đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá đất nước, đấu tranh mạnh mẽ bằng ngôn luận trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh biên giới và quốc phòng. Các tác giả cũng đã đi sâu phân tích các vấn đề về xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp, vấn đề nông dân, ngư dân bám biển sản xuất và tham gia bảo vệ vùng biển; về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc...
Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn báo chí cần phát huy truyền thống, tiếp tục tuyên truyền hiệu quả, tạo sự đồng thuận về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Báo chí cần thực hiện tốt và chính xác hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội, góp phần đẩy lùi những suy thoái chính trị, và đạo đức lối sống. Báo chí phải luôn là lực lượng nòng cốt quan trọng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm các thông tin sai trái, vu khống xuyên tạc tình hình của đất nước cũng như những thông tin gây phân tâm, làm phức tạp tình hình và không có lợi cho đất nước…
Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm báo, thực hiện nghiêm túc các quy định về việc phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác cho báo chí… Về phía những người làm báo, Thủ tướng mong muốn mỗi người nên cố gắng học tập rèn luyện để trở thành những nhà báo vừa hồng vừa chuyên, nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ mới, bản lĩnh chính trị vững vàng; nhạy cảm, tỉnh táo trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Mỗi thông tin đưa lên báo chí đều xuất phát từ cái tâm trong sáng của người làm báo cách mạng Việt Nam, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân…
MAI AN