Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học-cao đẳng: Gợi mở cách chọn ngành, chọn trường

Với chủ đề “Những lưu ý cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học - cao đẳng”, buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức vào ngày 27-4 đã nhận được hàng trăm câu hỏi của thí sinh, phụ huynh và giáo viên. Trong đó, rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc tìm hiểu về ngành nghề, các quy định về xét tuyển ở các trường cũng như triển vọng của ngành nghề trong thời gian tới.

Giải đáp thắc mắc ngành nghề

Từ Cần Thơ, anh Trần Anh Dũng gửi đến buổi giao lưu băn khoăn: “Tôi có con đang học lớp 12, muốn đăng ký học ngành Tâm lý học nhưng các bạn của con tôi lại nói học ngành này khó xin việc. Nhờ thầy cho lời khuyên”. ThS Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh (Trường ĐH Văn Hiến), cho rằng: “Ngày nay, xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu của chúng ta cũng nhiều hơn với mọi vấn đề trong cuộc sống, đồng thời cũng có nhiều nỗi lo và áp lực khiến cho chúng ta dễ mắc phải các bệnh lý thần kinh phổ biến như: stress, rối loạn lo âu, phụ thuộc các chất gây nghiện, tâm thần phân liệt, sút giảm trí nhớ... Nhu cầu nhân lực ngành Tâm lý học trong thời gian tới rất lớn, trong đó có những công việc kết hợp giữa ngành Tâm lý học với khoa học xã hội, pháp luật, giáo dục như: tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý… Nếu theo học ngành Tâm lý học, chúng ta có thể sẽ tránh được rất nhiều khuôn mẫu định kiến, thay vào đó là vô số lựa chọn - có người muốn nghiên cứu bệnh tự kỷ, người lại lựa chọn làm bác sĩ, người khác lại chọn làm cho ngân hàng đầu tư…”.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAO THĂNG

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAO THĂNG

Bạn Lan Chi (tỉnh Đồng Nai) phân vân: “Xin thầy cho biết giữa ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện có điểm gì khác biệt? Em muốn trở thành nhà báo thì nên chọn học ngành nào cho phù hợp?”. ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, gợi mở: “Em muốn trở thành nhà báo thì có thể chọn đúng ngành Báo chí. Tuy nhiên, em cũng có thể học một số ngành như: Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện... Ngành Quan hệ công chúng đào tạo kiến thức về viết và biên tập tin, xây dựng phát triển thương hiệu, tổ chức hoạt động sự kiện, sản xuất chương trình truyền thông, các chương trình quan hệ công chúng... Ngành Truyền thông đa phương tiện đào tạo về kiến thức: báo chí, truyền thông quảng cáo, thiết kế biên tập, chế bản điện tử, sáng tạo nội dung, ứng dụng các hiệu ứng đồ họa hiện đại... Người học về ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện cần các tố chất năng động, sáng tạo, nhạy bén, khả năng viết lách, trình bày diễn đạt, nắm bắt được tâm lý phát triển của con người và xã hội, khả năng phân tích, đánh giá... Sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc trong lĩnh vực về truyền thông báo chí, marketing, quảng cáo, sự kiện…”.

Chọn ngành, chọn trường phù hợp

Bạn đọc Quốc Bính (huyện Củ Chi, TPHCM) đặt câu hỏi: “Thưa thầy, khi chọn ngành để học có cần chạy theo xu hướng lựa chọn ngành “hot” (ngành được nhiều người lựa chọn như một trào lưu - PV) hay chọn ngành theo những tiêu chí nào?”. ThS Trương Quang Trị, Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), chia sẻ: “Tâm lý của các bậc phụ huynh và học sinh là luôn muốn lựa chọn cho con mình học các ngành “hot” hiện nay. Lựa chọn này sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của người học. Với sự phát triển của kinh tế, các ngành nghề ngày càng đa dạng, chính vì thế các ngành đào tạo cũng xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu nhân lực. Vậy có nên chọn ngành “hot” hay không, theo tôi, nếu đó là ngành yêu thích thì các bạn lựa chọn là hoàn toàn đúng, còn nếu chỉ lựa chọn vì chữ “hot” thì không nên, bởi khi học ngành mình không thích sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, dễ bỏ học. Do đó, dù bạn học ngành gì, hãy cố gắng học thật tốt, cống hiến hết mình với sự lựa chọn của bạn”.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 tại điểm thi Trường THPT Tạ Quang Bửu (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 tại điểm thi Trường THPT Tạ Quang Bửu (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

“Giữa học đại học và cao đẳng có gì khác biệt, thưa cô? Hiện nay học phí đại học khá cao, gia đình em không khá giả nên em muốn học cao đẳng để nhanh ra trường, có việc làm. Em học lực khá nên có thể đăng ký xét tuyển vào ngành dược của trường được không?”. Giải đáp băn khoăn này của bạn Phúc Hậu (huyện Bình Chánh, TPHCM), ThS Nguyễn Hoàng Tiên, Giám đốc Truyền thông Hệ thống giáo dục Đại Việt (Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn), cho rằng: “Thời gian học đại học sẽ lâu hơn từ 0,5-1 năm so với học cao đẳng. Chương trình đào tạo của hệ cao đẳng hiện nay dành đến 70% thời lượng thực hành. Do đó, học hệ cao đẳng, khi ra trường các em sẽ nhanh chóng thích ứng với yêu cầu công việc của đơn vị tuyển dụng. Hiện nay, học phí đại học đang điều chỉnh qua hàng năm và nhiều khi quá sức với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình... Nếu em muốn học tại trường thì có thể tìm hiểu thêm thông tin tại website: https://daivietsaigon.edu.vn”.

Những lưu ý thí sinh khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Theo ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, TPHCM dự kiến có gần 90.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp, kể cả thí sinh tự do. Hiện nay, sở đang cho các trường triển khai, tập huấn cách khai hồ sơ đăng ký dự thi và ngày 4-5 thí sinh sẽ chính thức đăng ký. Với các trường hợp thí sinh cập nhật sai số căn cước công dân trên hệ thống, thí sinh cần liên hệ công an phường, xã nơi đang sinh sống để được hỗ trợ điều chỉnh thông tin cá nhân. Trong khi chờ điều chỉnh, thí sinh liên hệ nhà trường nơi đang học hoặc đăng ký dự thi để điều chỉnh trước, sau khi có hồ sơ chính thức sẽ nộp bổ sung giấy tờ đã công chứng cho trường học hoặc nơi đăng ký dự thi. Đối với việc đăng ký dự thi của thí sinh tự do, thí sinh đăng ký trực tiếp tại các trung tâm giáo dục thường xuyên gần nơi cư trú để được cung cấp tài khoản và hướng dẫn đăng nhập. Trường hợp gặp khó khăn trong quá trình đăng ký, thí sinh có thể liên hệ các điểm tiếp nhận hồ sơ để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Liên quan đến điều kiện miễn dự thi của thí sinh, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa thông tin: Học sinh được triệu tập tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hóa, thời gian triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12, xếp loại cả năm lớp 12 hạnh kiểm tốt và học lực từ khá trở lên được miễn tất cả bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, thí sinh có tên trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực về khoa học kỹ thuật, văn hóa - văn nghệ, xếp loại cả năm lớp 12 đạt hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên, có tên trong công văn đề nghị miễn thi và xác nhận tham gia tập huấn, dự thi của cơ quan tuyển chọn trước ngày thi tốt nghiệp THPT sẽ được miễn tất cả bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, học sinh có giấy chứng nhận khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng theo quy định sẽ được xem xét đặc cách trong kỳ thi tốt nghiệp.

THU TÂM

Hoàn tất chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Thông tin tại buổi giao lưu trực tuyến, PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Bộ GD-ĐT đã sẵn sàng tất cả hệ thống phần mềm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho việc đăng ký dự thi và đã tập huấn kỹ cho đội ngũ ở 63 tỉnh, thành phố từ ngày 17-4-2023. Hiện, Bộ GD-ĐT có bộ phận thường trực 24/24 giờ để hỗ trợ xử lý các tình huống (nếu có)”.

Ngày 26-4, Hệ thống Quản lý thi bắt đầu mở, cho phép thí sinh đang học lớp 12 đăng ký thử dự thi. Kết quả, đã có 63 tỉnh, thành phố triển khai cho thí sinh đăng ký thử; tổng số gần 140.000 em đã đăng ký dự thi thành công. Thí sinh đặc biệt lưu ý, từ ngày 26-4 đến 17 giờ ngày 30-4, các em tiến hành đăng ký dự thi thử, sau thời gian này dữ liệu phiếu đăng ký sẽ bị xóa để phục vụ triển khai đăng ký chính thức. Thí sinh nên thực hiện thao tác này, nếu có gì vướng mắc trong quá trình đăng ký thi thử thì trao đổi để nhà trường báo cáo về Bộ GD-ĐT. Quá trình đăng ký dự thi thử chưa ghi nhận các tình huống phát sinh.

Thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi THPT từ ngày 4-5 đến 17 giờ ngày 13-5. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị đăng ký dự thi cần chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc đăng ký dự thi. Đặc biệt lưu ý các thông tin về diện ưu tiên, điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông tin để hưởng ưu tiên trong xét tuyển sinh đại học - cao đẳng; tổ chức lưu giữ hồ sơ đăng ký dự thi của các đối tượng dự thi.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục