Kỳ tích sông Hàn phiên bản 4.0

Chỉ hơn 12 tháng, Đà Nẵng và đơn vị tư vấn đã trình Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lên bàn Thủ tướng. Đây là cơ sở đầu tiên để hướng đến xây dựng TP Đà Nẵng trở thành thành phố động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 
Đà Nẵng, một thành phố trẻ và năng động. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH
Đà Nẵng, một thành phố trẻ và năng động. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

1. Là một thành phố luôn dẫn đầu cả nước về mặt đô thị hóa, Đà Nẵng luôn cho thấy việc đi đầu về mặt quy hoạch và phát triển đô thị. Có một thời, Đà Nẵng trở thành “hiện tượng” để nhiều địa phương khác học tập phát triển đô thị. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển “nóng”, lãnh đạo Đà Nẵng nhận thấy đã đến lúc nghiên cứu Điều chỉnh quy hoạch chung cho thành phố phát triển bền vững. 

KTS Vũ Quang Hùng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, nay là Bí thư Quận ủy Hải Châu, cho rằng, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Điều chỉnh quy hoạch chung, nhiều chuyên gia trong, ngoài nước góp ý, phản biện và đều thống nhất Đà Nẵng trong tương lai cần phát triển theo hướng đô thị nén, đô thị sinh thái, đô thị thông minh. Đô thị nén chính là tập trung cải tạo, tái thiết các khu đô thị cũ thành khu cao tầng và đầu tư hạ tầng tương ứng; xây dựng các khu đô thị cao tầng kiểu mẫu tại khu vực ven thành phố. Đô thị sinh thái là kiểm soát phát triển, bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường các không gian xanh tự nhiên trong đô thị, từng bước chuyển đổi các công trình hạ tầng, kiến trúc,… thích ứng với biến đổi khí hậu. Đô thị thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông vào quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân.
 
2. Trong chuyến công tác ở Singapore, lãnh đạo Đà Nẵng đã “ra đề bài” điều chỉnh quy hoạch chung với ông Douglas Foo, Chủ tịch Tập đoàn Sakae Holdings, theo hướng mô hình ba vùng đô thị là ven mặt nước, lõi xanh, sườn đồi và một vùng sinh thái cho Đà Nẵng. Theo đó, vùng lõi xanh ở trung tâm thành phố nhằm bảo vệ, phục hồi rừng, hệ động thực vật và phát triển thành một không gian xanh phục vụ cộng đồng. Mô hình đô thị cũng được điều chỉnh từ mô hình đơn năng, đơn cực trở thành đô thị nén, sử dụng đất đa năng, đất hỗn hợp, đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ, phát triển đa cực, đa trung tâm. Đề xuất mô hình “đô thị thu nhỏ” để quy hoạch hạ tầng, tiện ích đô thị tương ứng...

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng, quy hoạch chung lần này không chỉ là cơ sở cho Đà Nẵng phân bổ lại quỹ đất trên địa bàn cho hợp lý mà còn phân định chức năng từng khu vực một cách khoa học. Cụ thể: Công nghệ cao tăng gần 1.000ha, đô thị cảng biển gắn liền với cảng Liên Chiểu, đô thị sân bay gắn liền với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và đô thị giáo dục gắn liền với làng đại học Đà Nẵng,… Và đặc biệt là tiếp tục phát triển du lịch trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng. Quy hoạch chung là cơ sở, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục