Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2020, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương về xuất khẩu với kim ngạch đạt 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục: 19,1 tỷ USD - duy trì 5 năm liên tiếp (năm sau cao hơn năm trước) cán cân thương mại thặng dư, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Với kỳ tích xuất siêu trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản 10,4 tỷ USD (tăng 6,5%), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, hơn cả dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt tới 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% và vượt kỷ lục của năm 2019).
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, để có được kỳ tích đó, bên cạnh sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm “vừa tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh” cũng phải kể đến nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình là giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường xuất nhập khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh, song Việt Nam đã khéo léo khai thác tốt cả hai thị trường này. Qua đó, xuất khẩu của Việt Nam sang cả hai thị trường này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao: xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 76,5 tỷ USD, tăng 24,7%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 48,8 tỷ USD, tăng 17,7%.
Mặc dù từ tháng 8-2020 tới nay, dịch bệnh các nước rất phức tạp nhưng sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng tốc mạnh mẽ với kim ngạch cả năm 34,9 tỷ USD (trong đó riêng từ tháng 8 đến nay, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD). Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực điển hình như: lúa gạo, tôm và các loại thủy sản khác... Kể từ ngày 31-12-2020, FTA giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) cũng có hiệu lực. Nhiều chuyên gia dự báo, hiệp định này chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2021.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta đã tranh thủ xu hướng chuyển dịch thương mại - đầu tư trên thế giới để tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Nhiều hãng sản xuất đa quốc gia lớn đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới tại Việt Nam như: Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mazda, Mitsubishi, Foxconn, Samsung...” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
Năm 2021, trong bối cảnh khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; dịch Covid-19 có biến chủng mới, tiếp tục lan rộng, chưa được kiểm soát tốt ở nhiều quốc gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có những cơ hội tốt về các thị trường.
“Chúng ta đã có những kinh nghiệm tốt trong quá trình triển khai các FTA đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Việc này Chính phủ đã có các chương trình hành động để thực thi các FTA, vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục đẩy mạnh, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn ở các thị trường quốc tế trong thời gian tới” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị.