Lạm dụng đồng tính trong phim Việt

Vài năm lại đây, con người, cuộc sống của những người thuộc “thế giới thứ 3” được phim ảnh khai thác khá nhiều. Việc thể hiện trên phim cũng có vẻ hết sức thoải mái, không còn phải ý tứ, né tránh như chục năm về trước. Có cảm giác, vấn đề - đề tài đồng tính đang được những người làm phim Việt Nam khai thác triệt để, bất chấp đúng – sai và phản ứng của người xem.
Lạm dụng đồng tính trong phim Việt

Vài năm lại đây, con người, cuộc sống của những người thuộc “thế giới thứ 3” được phim ảnh khai thác khá nhiều. Việc thể hiện trên phim cũng có vẻ hết sức thoải mái, không còn phải ý tứ, né tránh như chục năm về trước. Có cảm giác, vấn đề - đề tài đồng tính đang được những người làm phim Việt Nam khai thác triệt để, bất chấp đúng – sai và phản ứng của người xem.

  • Quá đà...

Chưa bao giờ vấn đề đồng tính lại được khai thác nhiều như hiện nay. Chỉ cần để ý một chút, khán giả sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chiếm tới 70%-80% phim Việt chiếu trên truyền hình hiện nay có những nhân vật đóng vai pê-đê, đồng tính.

Điều khó lý giải là vì sao những nhân vật này lại trở nên phổ biến như vậy trong các bộ phim Việt Nam. Phải chăng để gây cười, để tạo sự chú ý, để điểm xuyết thêm cho đa dạng… nên các đạo diễn đã đưa những nhân vật này vào phim một cách tùy tiện? Trong một bộ phim nói về nghề giáo đang phát trên VTV1, một nhân vật thầy giáo bị bạn đồng nghiệp gọi là “thái giám” vì tính cách như đàn bà của nhân vật này.

Thái Hòa và Dustin Nguyễn trong phim Để mai tính

Thái Hòa và Dustin Nguyễn trong phim Để mai tính

Bộ phim “Hoàng tử xấu trai” đang chiếu trên HTV3 nói về các cô cậu học trò cấp ba, có một nhân vật là Nam “tiểu thư”, giọng nói thì eo éo, tay chân, điệu bộ ẻo lả, hay khóc nhè. Đành rằng ngoài xã hội không thiếu gì người như vậy và họ có mặt ở mọi “ngõ ngách” cuộc sống, song có nên tạo một hình ảnh như vậy trong những bộ phim có tính định hướng giáo dục, thẩm mỹ?

Khán giả dễ dàng chấp nhận một anh cảnh sát (Tiết Cương đóng) vì lý do để trà trộn vào hang ổ của bọn cướp nên đã phải hóa trang thành một gã đồng tính - Thảo Phương - bán vé số để cặp kè với một tên tội phạm (trong phim Vật chứng mong manh); hay thú vị với nhân vật tay anh chị cốt cán trong giới giang hồ Sài Gòn là Phương ô-môi trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn.

Đó là những nhân vật có số phận, có tính cách và từ những nhân vật này, bằng sự hóa thân xuất sắc của diễn viên, đã tạo nên thành công cho vai diễn, đồng thời tạo được ấn tượng đặc biệt khiến diễn viên rất dễ trở nên nổi tiếng vì vai diễn ấy. Song khán giả cũng không khỏi khó chịu khi có những nhân vật không cần thiết, cũng bị khoác cho lớp vỏ “đồng tính” và “nhét” vào phim, như nhân vật thầy bói xuất hiện thoáng qua ở Về quê cưới vợ, hay anh nhân viên của một công ty du lịch trong Ngày ta yêu nhau - chỉ biết chớp mắt, vung vẩy tay cho mình ra vẻ đồng tính. Những nhân vật này chẳng để lại ấn tượng nào, mờ nhạt đến mức không có cũng chẳng ảnh hưởng đến nội dung phim.

  • ... để câu khách?

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, một trong những đạo diễn từng làm phim đề tài đồng tính, chia sẻ: “Tôi thấy đa số những nhân vật đồng tính trong phim Việt Nam không thật, không đúng với thực tế. Có cảm giác chính những người làm ra những bộ phim, nhân vật này không có kiến thức và có cái nhìn lệch lạc về đồng tính, nên nhân vật của họ khi xem cứ thấy… nổi da gà”.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS - Đài Truyền hình TPHCM thẳng thắn: “Phim của TFS không có yếu tố đồng tính, nếu kịch bản nào có đề cập đến vấn đề này chúng tôi cũng không chấp nhận. Văn hóa của mình còn nhạy cảm và tế nhị lắm, làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người xem lẫn người trong giới đồng tính”.

Bà Minh Hà, Biên tập phòng Khai thác phim truyện của HTV, cũng nhìn nhận: “Quan điểm của HTV cũng rất kỵ những yếu tố, nhân vật đồng tính, gay; còn nếu là câu chuyện đồng tính thì hoàn toàn không duyệt.

Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa trong phim Hot boy nổi loạn...

 Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa trong phim Hot boy nổi loạn...

Diễn viên Lương Mạnh Hải, người từng thể hiện nhân vật đồng tính trong Hot boy nổi loạn… chia sẻ: “Khi mình không tin vào nhân vật của mình thì chả ai tin mình. Mình diễn mà mình còn ngại, còn ngượng thì ai tin mình. Hiện nay, hình ảnh người đồng tính trong phim Việt Nam đa phần được khai thác theo kiểu nhố nhăng, kệch cỡm nên có cảm giác bản thân người diễn viên cũng không xả thân 100% cho vai diễn, khiến khán giả xem phim thấy… ghê ghê”.

Nói về hiện tượng, nhân vật đồng tính trong một số bộ phim được phát sóng trên VTV thời gian qua và hiện nay, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim VFC cho biết: “Trước đây, VTV đã có hẳn một bộ phim về đề tài này, đó là phim Một thế giới không có đàn bà trong loạt phim Cảnh sát hình sự. Tôi nghĩ, cũng tùy vào từng phim và cách khai thác đề tài. Tôi nghĩ, người làm phim đưa nhân vật đồng tính vào phim chỉ nhằm mục đích tạo màu sắc, tính cách đa dạng cho phim. Chúng tôi không quá khắt khe, cũng không có ý tôn vinh hay miệt thị vấn đề đồng tính”.

Đã có những bộ phim nước ngoài làm về đề tài đồng tính, hoặc có những nhân vật đồng tính như: “Brokeback mountain”, “Beautiful thing”…, có phim nhận được giải Oscar danh giá vì vấn đề đồng tính được khai thác đầy tính nhân văn; diễn viên diễn xuất, lột tả đến tận cùng chiều sâu tâm lý nhân vật khiến khán giả phải đồng cảm, cười khóc với nhân vật…

Khi người làm phim chưa hiểu rõ, hiểu thấu đáo vấn đề đồng tính và làm phim không bằng cái tâm thật sự của người tìm tòi, chia sẻ, truyền tải thông điệp, tốt nhất không nên làm phim hoặc chí ít, không nên cố tình “nhét” vào phim nhân vật đồng tính. Khi ấy, bộ phim không chỉ phản cảm, gây khó chịu và làm cho khán giả không cảm nhận được điều gì tử tế ngoài việc thấy phim Việt hình như đang lạm dụng vấn đề con người đồng tính để câu khách. 

HÀ GIANG – NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục