Làm giàu từ nắng và gió

Đến Ninh Thuận, nhiều người sẽ cảm thấy thích thú khi chứng kiến hàng chục cánh quạt gió khổng lồ quay vù vù trong không trung. Trên mặt đất, những tấm pin mặt trời thẳng tắp chạy dài đang hứng những tia nắng mỗi ngày.
Các công trình điện gió ở Ninh Thuận. Ảnh: NGUYỄN VĂN QUANG
Các công trình điện gió ở Ninh Thuận. Ảnh: NGUYỄN VĂN QUANG

Biến bất lợi thành lợi thế

Là người thường xuyên đến Ninh Thuận công tác, nhưng hơn một năm trở lại đây, sự thay đổi của mảnh đất này khiến tôi bất ngờ. Ninh Thuận vốn biết đến với cái nắng nóng và gió quanh năm. Vậy nên, dân Ninh Thuận hay đùa rằng “đặc sản” của họ chính là nắng và gió. “Đặc sản” vốn là nguyên nhân khiến Ninh Thuận nghèo khó bấy lâu, thì nay nó trở thành đặc sản đúng nghĩa, đưa vùng đất này phát triển. Trải dài khắp Ninh Thuận, từ biển đến đồi núi, những cánh đồng điện mặt trời và điện gió đang mọc lên nhanh chóng, tạo bao đổi thay kỳ diệu.

Xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc có vị trí khá thuận lợi khi nằm dọc tuyến quốc lộ 1A và có quỹ đất lớn, nhưng người dân nơi đây vẫn nghèo khó. Khó là vì phần lớn đất nông nghiệp cằn cỗi, không thể canh tác do thiếu mưa, dư nắng. Gần 5 năm trước, dự án điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam về đây, mảnh đất này đã có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được nâng cấp đầu tư, những khoảnh đất khô cằn nay được hồi sinh, nơi đây mọc lên những trụ điện gió, những hàng pin mặt trời. Ngồi chăn cừu dưới những cánh quạt gió khổng lồ đều đặn quay, anh Nguyễn Đức Nhân (xã Lợi Hải) cho biết, ngày trước chỉ thấy những trụ điện gió này trên tivi, qua báo đài, chứ chưa từng nghĩ lại xuất hiện ngay ở quê hương mình. Vì nắng gió khắc nghiệt, nhiều vùng đất ở Thuận Bắc không thể sản xuất, cuộc sống người dân rất khó khăn. Những cánh quạt không chỉ tạo nét đẹp riêng, thay cho những vùng đất khô khan, mà nó còn tạo ra tiền, tạo công ăn việc làm cho dân địa phương.

Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, chỉ hơn 2 năm triển khai thực hiện chính sách mới của Chính phủ về năng lượng tái tạo (NLTT), ngành năng lượng trở thành điểm sáng kinh tế - xã hội của địa phương, thu ngân sách từ 1.800 tỷ đồng năm 2016 lên 4.300 tỷ đồng năm 2019. 

Ngành NLTT vừa tạo động lực lan tỏa để phát triển trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại dịch vụ; vừa khai thác hiệu quả quỹ đất hoang hóa, khô hạn, góp phần phát triển hệ thống giao thông nông thôn.

“Thủ phủ” năng lượng sạch

Để tiến trình trở thành trung tâm NLTT lớn nhất nước nhanh hơn, tỉnh đề ra hàng loạt giải pháp để phát triển NLTT, xóa điểm nghẽn đầu tư. Mới nhất, Ninh Thuận đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho phép doanh nghiệp tư nhân phát triển dự án Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (450MW) kết hợp trạm biến áp 220/500kV và đường dây 500kV, 220kV (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam), tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Dự án góp phần giải tỏa công suất các nhà máy NLTT tại Ninh Thuận và Bình Thuận, bổ sung hơn 1 tỷ kWh điện mỗi năm vào hệ thống điện quốc gia.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 115 về cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện để Ninh Thuận phát triển. Theo đó, cho phép Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi với công suất 2.000MW đến hết năm 2020, phát triển thủy điện tích năng Bác Ái (công suất 1.200MW), Trung tâm Điện khí Cà Ná (quy mô 1.500MW), gắn với xây dựng cảng nước sâu Cà Ná với quy mô tiếp nhận tàu có tải trọng đến 300.000 tấn…

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, kỳ vọng: “Các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư xây dựng đã giúp Ninh Thuận phát triển nhanh chóng. Địa phương khó khăn vì nắng hạn ngày trước, giờ đang có nhiều dự án NLTT, qua đó tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân. Với việc được Chính phủ tạo nhiều cơ chế thuận lợi, Ninh Thuận thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước đang từng bước hình thành”.

Tin cùng chuyên mục