
Đến nay, tại quận 9 (TPHCM) đã có 577 (trong tổng số 1.621 hộ nông dân toàn quận) là hộ làm nông nghiệp giỏi (mỗi hộ thu nhập trên 50 triệu đồng/năm). Phó Chủ tịch UBND quận 9 Lê Thị Tám nhận định: “Do siêng năng, chịu khó, sáng tạo, được sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, đại bộ phận nông dân trên địa bàn đã thích nghi tốt với cơ chế thị trường, nhanh nhạy chọn mô hình sản xuất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, thi đua “làm nông nghiệp giỏi”. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã thoát nghèo và vượt lên làm giàu”.
- Tay trắng vươn lên
Làm nông nghiệp gần 20 năm mà gia đình anh Phan Thanh Vân (ngụ tại khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B) vẫn nghèo khó. Năm 1996, thấy nhiều người nhờ nuôi bò sữa mà có của ăn của để, anh Vân dành dụm, vay mượn, mua được 2 con bò sữa. Hội Nông dân phường và Phòng Kinh tế quận đã cử anh Vân dự các buổi tập huấn chăn nuôi bò sữa.

Ông Ba Tài đang chăm sóc vườn kiểng của mình.
Năm 1997, Hội Nông dân còn cho vay thêm 10 triệu đồng từ dự án 120 (Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm), nhờ đó anh Vân xây dựng chuồng trại quy mô hơn rồi chuyển đất trồng lúa sang trồng cỏ và mua thêm 2 con bò nữa.
Đến năm 2002, đàn bò của anh tăng lên 18 con, trong đó có 10 con cho sữa. Từ nguồn tiền bán sữa và bò giống, anh Vân xây dựng thêm 25 phòng trọ cho thuê. Bây giờ, gia đình anh nông dân 44 tuổi này không những đã thoát nghèo mà còn trở nên khá giả với mức thu nhập hàng năm gần 80 triệu đồng.
Tương tự, năm 1985, xuất ngũ về, cảnh sống khó khăn quá, anh Võ Hùng Tiến (ngụ ấp Thái Bình, phường Long Bình) đưa cả gia đình lên Lộc Ninh, Bình Phước. Nhưng rồi cũng không cải thiện được cuộc sống, anh lại quyết định hồi hương. Gom góp, vay mượn được số vốn ít ỏi, anh bỏ nghề nông chuyển sang làm lò gạch và nuôi heo.
Thế nhưng, nhà có đến 7 miệng ăn, nên vẫn cứ nay thiếu, mai hụt. Năm 1993, tìm hiểu, thấy thịt dê đã trở thành món đặc sản, nhưng dê lại khan hiếm, anh Tiến quyết định nuôi dê. Anh nhờ bạn bè đến Trường Đại học Nông lâm tham vấn ý kiến của các thầy, rồi ra tận Phan Rang (Ninh Thuận) tham quan các trại dê và học hỏi kinh nghiệm. Phòng Kinh tế quận đã tạo điều kiện cho anh dự các lớp tập huấn chăn nuôi, đi tham quan học tập các mô hình trang trại dê giống đồng thời giúp anh đầu tư điểm trồng cỏ trình diễn, xây dựng chuồng trại.
Qua thời gian thử nghiệm khả quan, anh Tiến mạnh dạn vay Ngân hàng NN-PTNT 200 triệu đồng đầu tư nhân giống, mở rộng chuồng trại. Giờ đây, tổng đàn dê của anh Tiến lên đến 200 con, tháng nào cũng xuất bán từ 8 đến 10 con thịt và 5 con giống, tổng thu nhập hàng năm từ 300 triệu đến 350 triệu đồng. “Tôi đã trả hết nợ nần, con cái cũng được học hành đàng hoàng. Mới đây tôi đã mua thêm được miếng đất để trồng cỏ, mở rộng trang trại” - anh Tiến khoe một cách tự hào.
- Lão nông thời Internet
Có dịp đi trên xa lộ Hà Nội, đến khu vực ấp Giãn Dân phường Long Bình, nhiều người sẽ bị cuốn hút bởi vườn cây xanh thẳm được tô điểm bằng nhiều màu sắc rực rỡ trước Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Đó là cơ sở hoa kiểng và cây giống Cái Mơn của ông nông dân chân đất 62 tuổi Võ Văn Tấn Tài (Ba Tài).
Năm 1991, giã từ quê hương Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre), ông Ba Tài đưa cả gia đình lên quận 9 TPHCM lập nghiệp. Phải bắt đầu bằng nghề gì ở vùng đất lạ lẫm này khi mà gia sản chỉ có sức người là chính? Ông phát hiện thị trường cây giống ở TPHCM lúc này thiếu sự quản lý kiểm định chất lượng, nên tràn ngập cây giống trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, TP đang trong thời kỳ đô thị hóa, nhu cầu trang trí hoa kiểng tăng mạnh. Ông quyết định khởi nghiệp bằng cái nghề truyền thống của gia đình vợ. Năm 1994, ông thuê được 3.000m2 đất trước Nghĩa trang liệt sĩ TP. Tài sản vỏn vẹn 15 triệu đồng, riêng việc cải tạo bãi cỏ hoang thành vườn đã ngốn hết 2/3 số vốn. Còn chưa đầy 5 triệu đồng, ông đành “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách sản xuất hoa kiểng ngắn ngày.
Kết quả gần 3 tháng miệt mài đã cho ông được 8.000 giỏ hoa kiểng và gần 1.000m2 cỏ trang trí các loại, bán thu được gần 30 triệu đồng. Vậy là thừa thắng xông lên. Sau một năm, vườn kiểng đã giúp ông nâng vốn lên được 50 triệu đồng – đủ để sản xuất các loại hoa kiểng và cây giống chất lượng cao.
Với phương châm uy tín, chất lượng làm đầu, ông Ba Tài đã đưa cơ sở của mình thành địa chỉ quen thuộc của bà con nông dân và giới yêu thích hoa kiểng. Nhiều công ty, khách hàng nước ngoài ở TPHCM và các tỉnh lân cận đã mời ông về trang trí công trình. Năm 2000, ông được mời sang Campuchia thi công công trình hoa viên cho một khách sạn 5 sao tại thủ đô PhnomPenh…
Đặc biệt, ông trở thành nông dân đầu tiên ở TPHCM thiết kế hẳn một website (www.caimon-garden.com) giới thiệu cây kiểng Việt Nam đến toàn thế giới. Vượt lên hoàn cảnh để làm giàu, không chỉ nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp TP, ông còn được chính quyền địa phương nhiều lần tuyên dương “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn” và gương “Người tốt Việc tốt” ở cương vị Ủy viên Hội Nông dân phường Long Bình và chủ nhiệm ấp Văn hóa Giãn Dân…
PHẠM TRƯỜNG