Việc khai thác đề tài đồng tính, lạm phát chiêu trò giả gái trên sàn diễn xuất hiện ngày càng dày đặc trong các chương trình, gameshow truyền hình, ở các sân khấu kịch xã hội hóa. Hiện tượng trên đang bùng phát và được nhiều diễn viên, nghệ sĩ đua nhau thực hiện.

Diễn viên giả gái trong một vở diễn của sân khấu kịch
Gây cười thái quá
Thời gian gần đây, từ các chương trình trên truyền hình, các gameshow đến các sân khấu kịch, hình ảnh nam giả nữ, nhân vật đồng tính, xuất hiện nhan nhản. Có thể thấy qua các vở kịch Xóm trọ 3D, Lục sắc, 3D Cung tâm kế… hay trong rất nhiều chương trình, gameshow như Hội ngộ danh hài, Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài, Gương mặt thân quen, Ca sĩ bí ẩn…
Xu thế diễn phải có giả gái mới vui, mới dễ chọc cười ban giám khảo các gameshow truyền hình, khán giả tại phim trường, khán giả màn ảnh nhỏ, khán giả đến xem kịch trực tiếp ở các sân khấu kịch, đang làm mưa làm gió trên các sàn diễn. Tuy nhiên, không phải diễn viên nào giả gái cũng xinh đẹp, cũng có duyên, diễn có chiều sâu, tạo được độ rung cảm. Không ít diễn viên đóng nhân vật đồng tính, giả gái trông thô thiển, kệch cỡm, kém thẩm mỹ; không ít tiểu phẩm, vở kịch, với cách hóa trang lòe loẹt, lối diễn xuất nhân vật đồng tính thái quá, thiếu tế nhị đã gây không ít phản cảm.
Thực tế, trên truyền hình có nhiều tiết mục chưa được kiểm duyệt kỹ về chất lượng, nội dung; các sân khấu kịch dù có qua sự kiểm duyệt của Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TT TPHCM, nhưng hội đồng nghệ thuật chỉ có thể làm đúng chức năng là xem vở diễn có sai phạm gì về chính trị, đạo đức, thuần phong mỹ tục… hay không mà thôi. Về chất lượng, không phải tất cả các tiểu phẩm, vở kịch nói về những người ở giới tính thứ ba, khi được bắt tay dàn dựng đều thể hiện tốt về nội dung, ý nghĩa, hay có thông điệp mang tính xã hội, tính nhân văn gửi đến khán giả.
Những tồn tại trên đang khiến thị trường giải trí, hoạt động trình diễn nghệ thuật của lĩnh vực sân khấu ngày càng kém chất, lệch lạc về định hướng giải trí, không thể làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng và nâng cao quan điểm thẩm mỹ cho công chúng, nhất là khán giả trẻ.
Lọc “sạn”
Thực trạng trên đang khiến các sàn diễn kịch nói, tấu hài, các chương trình truyền hình… mất dần giá trị. Nhìn lại, trong hàng loạt chương trình hài, tác phẩm kịch, dễ thấy không ít chương trình, vở diễn, tiểu phẩm hài quá vô bổ, đầy sạn. Sạn trong nội dung, tính tư tưởng, nghệ thuật và sạn còn xuất hiện rất nhiều trong ngôn ngữ, lời thoại. Những hạt sạn nhỏ gom lại thành to, lại được một số cơ quan truyền thông đại chúng quảng bá tuyên truyền quá nhiều, khiến người xem có cảm giác nghệ thuật bây giờ chỉ có như vậy!
Phần lớn khán giả xem tiểu phẩm, kịch hài giải trí qua màn ảnh nhỏ chủ yếu là để vui, cười. Các nghệ sĩ đứng trên sân khấu, vì thị hiếu khán giả, cũng vô hình chung lấy những mảng miếng hài giải trí truyền hình đem vào các vở diễn để dàn dựng, rồi dần hình thành một tiêu chí cho sân khấu nghệ thuật. Đây là nỗi lo rất lớn của những người làm nghệ thuật chân chính, nhiệt huyết với nghệ thuật sân khấu, nhưng không biết làm cách nào để tìm lại được những giá trị nghệ thuật chân chính đang dần bị mai một, lu mờ trong quá trình phát triển của thị trường văn hóa nghệ thuật hiện nay.
Với những hệ quả trên, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang rất cần sự giúp đỡ, góp sức của nhiều cơ quan, ban ngành văn hóa, những người đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực truyền hình, sân khấu, chung tay thanh lọc bớt những “hạt sạn” trong tổ chức và biểu diễn, để các chương trình, sàn diễn được sạch, đẹp, chất lượng, ý nghĩa.
Ngoài ra, cần phải khẳng định vai trò rất lớn của người nghệ sĩ, diễn viên, khi đã dấn thân theo nghề, làm nghệ thuật, phải chịu khó học hỏi, rèn luyện, để nâng chất nội dung, kỹ thuật trình diễn. Tuy nhiên, công bằng mà nói, sân khấu TPHCM không chỉ có giả gái, đồng tính, mà vẫn còn đó những tác phẩm hay, những diễn viên tâm huyết với nghề. Mong sao những diễn viên này vẫn giữ được lửa nghề, để sân khấu TP ngày càng có nhiều vai diễn, vở diễn hay hơn.
BẢO LÂM