(SGGPO). – Chiều nay, 7-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012.
Hầu hết các ý kiến tán thành với báo cáo giám sát
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc sử dụng trái phiếu chính phủ đã có ý nghĩa quan trọng như thúc đẩy phát triển sản xuất ở những vùng khó khăn. Đó là chủ trương đúng trong thời gian vừa qua, thậm chí liều lượng chưa đủ như đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông) nói. Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, hiệu quả là rõ ràng, nhưng cần chỉ rõ, xử lý nghiêm những sai sót, lãng phí trong quá trình thực hiện vốn trái phiếu chính phủ.
Nói về sự đúng đắn, của vốn trái phiếu chính phủ, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) lấy ví dụ những khu đồi cát ở Bình Thuận, nếu không có chương trình này chắc chỉ dùng để cho thuê phim trường đóng phim, vì toàn cát và xương rồng, nhưng vì có những công trình thủy lợi nên những vùng đó đã phát triển được. Trái phiếu chính phủ cũng đã giúp vai trò quan trọng để giảm tải bệnh viện vì xây dựng được nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện...
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng không đồng tình với các ý kiến nói phát hành trái phiếu chính phủ là sai. “Nói vậy là không đúng. Năm 2008, khi kinh tế suy giảm, cần phải kích cầu thì ban hành trái phiếu chính phủ là đúng. Không thể soi lại thời điểm đó và cho rằng phát hành trái phiếu chính phủ là không đúng”, ông Tiên nói.
Các ý kiến nói trái phiếu chính phủ dành cho y tế là kém hiệu quả ông Tiên cũng cho rằng chưa thuyết phục, vì vốn trái phiếu chính phủ đã mang lại hiệu quả rất lớn cho y tế. “Những sai sót là phải đánh giá, nhưng không thể nói là phải xin lỗi nhân dân vì đã sai khi phát hành trái phiếu chính phủ. Nhân dân được hưởng lợi từ vốn trái phiếu chính phủ. Hàng loạt bệnh viện huyện đã được xây dựng, sẽ không bao giờ có cơ hội lần thứ 2 để dành vốn xây dựng như vậy”, ông Tiên khẳng định.
Ông Tiên thừa nhận hạn chế mà báo cáo giám sát đã chỉ ra, đó là phân bổ vốn trái phiếu chính phủ không đồng đều, các tỉnh nghèo lại được phân bổ ít vì thời gian hoàn thiện dự án, thủ tục chậm hơn so với các tỉnh khác.
Còn theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), bất cập lớn nhất của việc sử dụng vốn trái phiếu chính phủ là không có tiêu chí rõ ràng để phân bổ, rất rõ cơ chế xin-cho, chỉ 30% vùng khó khăn xin được vốn trái phiếu chính phủ. Và quan trọng nhất là sử dụng vốn này lãng phí. Cơ chế hiện nay khiến đầu tư dàn trải, kéo dài. Địa phương lập dự án, còn trung ương cho vốn và trả nợ, vì thế địa phương mặc nhiên coi đó là “của trời cho”. Lãng phí còn ở quy mô sử dụng, “đường thoát lũ còn lớn hơn đường tỉnh lộ”. “Việc hầu hết các địa phương tăng tổng mức đầu tư công trình có vốn trái phiếu chính phủ cho thấy kỷ cương trong sử dụng vốn trái phiếu chính phủ có vấn đề, gây nguy cơ vỡ nợ công”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền chỉ rõ.
Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng, bất cập lớn nhất là việc tăng tổng mức đầu tư của các công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Theo báo cáo, giai đoạn 2006 - 2012, các lĩnh vực đã được bố trí vốn trái trái phiếu chính phủ thực hiện 2.682 dự án, với tổng mức đầu tư ban đầu là 409.415,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 684.794,5 tỷ đồng (đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án). Có lĩnh vực tăng tổng mức đầu tư 22 lần, có dự án tăng 8,3 lần. “Dù vì lý do gì thí mức tăng này cũng thiếu thuyết phục”, đại biểu Tấn phát biểu.
ĐB Tấn cho rằng, phải nghiêm túc chấn chỉnh những yếu kém, chỉ rõ trách nhiệm của những người để xảy ra đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát trong sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Với những công trình dở dang, Quốc hội cần xem xét để tiếp tục cho triển khai, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) băn khoăn, báo cáo chưa chỉ rõ trách nhiệm trong lãng phí, thất thoát khi sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Bao nhiêu công trình được xây dựng mà kém hiệu quả, cần chỉ rõ. “Có những nơi xây đường liên xã nhưng chỉ dùng được 6-7 tháng đến 1 năm. Nhiều công trình sai phạm, thiếu sót nhưng người chịu trách nhiệm có bị xử lý không”, đại biểu Dung đặt câu hỏi.
Tuy chưa đầy đủ thông tin, nhưng bà Dung cho rằng, báo cáo giám sát đã cho thấy khái quát nhiều vi phạm về thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc thực hiện vốn trái phiếu chính phủ, trong khi xử lý trách nhiệm thì chưa được chỉ rõ.
Đại biểu Dung cũng tán thành ý kiến của các đại biểu khác đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét để phân bổ, huy động hoàn thiện các dự án còn dở dang, đi cùng với đó phải giám sát chặt chẽ.
Điều mà các đại biểu Quốc hội đều quan tâm là có phát hành trái phiếu chính phủ nữa không trong bối cảnh hiện nay? Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, hiện nay hàng trăm công trình sử dụng vốn này đang dở dang, nếu không phát hành để làm tiếp thì lại càng lãng phí, nhân dân thất vọng. Vì thế không phát hành trái phiếu chính phủ để làm công trình mới nhưng phải phát hành để hoàn thiện công trình đang xây dựng. Đây cũng là quan điểm chung của đại biểu Nguyễn Văn Tiên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông.. và hầu hết các đại biểu Quốc hội khác.
| |
Sáng 7-6, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012.
Điều chỉnh nguồn lực rất lớn bằng văn bản dưới luật
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, nhiều văn bản về vấn đề này chưa bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất, còn trùng lắp, pháp điển hóa chưa cao. Đến nay, ngoài các đạo luật quy định chung cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, hầu hết các văn bản trong quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ đều là các văn bản dưới luật, nhưng lại điều chỉnh các hoạt động liên quan đến nguồn lực tài chính rất lớn của quốc gia.
Công tác quy hoạch hiện đang được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Theo báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay có 57 luật, pháp lệnh và 47 nghị định điều chỉnh về công tác quy hoạch, dẫn đến không bảo đảm tính thống nhất, nhất là giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch xây dựng (gồm cả quy hoạch đô thị) và quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch phát triển ngành, vùng, tỉnh chưa đảm bảo sự phối hợp thống nhất, liên kết vùng, miền, quốc gia. Các quy định về tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được điều chỉnh nhiều lần, gắn với điều kiện, hoàn cảnh của từng giai đoạn và có những tác dụng nhất định, song có thời điểm quy định chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều nhà thầu lợi dụng cơ chế để tạm ứng khi chưa có khối lượng thực hiện hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích; nhiều công trình sau khi tạm ứng vốn đã không được triển khai theo đúng tiến độ, nhiều trường hợp không thu hồi được vốn đã tạm ứng.
Đáng lưu ý, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính cụ thể, minh bạch. Đơn cử, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (khoản 2 Điều 34) quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và quy định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này” nhưng không hướng dẫn quy định thế nào là công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, dẫn đến việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành ở nhiều dự án đầu tư, gây lãng phí không nhỏ nguồn lực tài chính.
Chưa công bằng trong phân bổ
Ghi nhận việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu của quốc gia, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo ở các tỉnh khó khăn; nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, đặc biệt là những tuyến đường giao thông quan trọng của đất nước..., song Báo cáo cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006 – 2012.
Cụ thể, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn, nhiều dự án điều chỉnh không đúng với quy định của pháp luật. Theo Báo cáo số 196/BC-CP ngày 17-5-2013 của chính phủ, tổng mức đầu tư đã điều chỉnh lên đến 684.794,5 tỷ đồng.
Việc phân bổ vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.
Đặc biệt, cơ chế phân bổ vốn trái phiếu chính phủ chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thực sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”; nhiều dự án chưa bảo đảm tính cấp bách, cần thiết phải đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo mục tiêu ban đầu mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định.
Do thiếu hệ thống tiêu chí cụ thể, khoa học, tỷ lệ phân bổ vốn trái phiếu chính phủ cho các tỉnh miền núi khó khăn chiếm tỷ trọng không cao, vốn bố trí thấp hơn rất nhiều so với các địa phương không thuộc địa bàn được ưu tiên bố trí vốn.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số trường hợp phê duyệt dự án và bố trí vốn sai, huy động vốn đầu tư không đúng, kiến nghị xử lý sai phạm về kinh tế, tài chính, giảm trừ nghiệm thu thanh toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Công tác quản lý, phân bổ, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân thủ quy định...
Trước mắt chưa phát hành thêm vốn trái phiếu chính phủ
Trong số các kiến nghị được đề xuất để chấn chỉnh tình hình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi đồng bộ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, ban hành Luật Đầu tư công gắn với Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; cụ thể hóa tối đa các quy định liên quan nhằm tạo căn cứ pháp lý đầy đủ cho tổ chức thực hiện, tránh vận dụng tùy tiện gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án đề xuất của chính phủ, trước mắt chưa phát hành thêm vốn trái phiếu chính phủ vì các bộ, ngành và địa phương đã rà soát, sắp xếp lại danh mục dự án theo mức kế hoạch vốn trung hạn được giao và huy động các nguồn vốn khác để bảo đảm hoàn thành dự án hoặc các hạng mục dự án, phát huy hiệu quả đầu tư. Đề nghị ưu tiên sử dụng nguồn vốn phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2011 - 2015 cho một số dự án đang triển khai thực hiện, còn thiếu vốn thuộc các mục tiêu chính của chương trình phiếu chính phủ như: đường đến trung tâm xã, bệnh viện huyện, thủy lợi nhỏ... của các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và một số công trình, dự án cấp bách, trọng điểm quốc gia đang sử dụng nguồn vốn phiếu chính phủ nhưng còn thiếu vốn. Sau năm 2014, chính phủ đánh giá, tổng kết lại toàn bộ chương trình vốn trái phiểu chính phủ, từ đó tính toán khả năng huy động vốn, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế đầu tư, quản lý đối với chương trình phiếu chính phủ.
Đặc biệt, đề nghị chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác tham mưu, thực hiện vốn phiếu chính phủ, dẫn đến nhiều sai sót, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn phiếu chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 qua kết quả giám sát, thanh tra, kiểm toán và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đối với các địa phương, đề nghị tăng cường bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương, xổ số kiến thiết, thu tiền sử dụng đất... và chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để trả nợ khối lượng xây dựng cơ bản và hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt, sớm phát huy hiệu quả đầu tư...
Đối với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; đề nghị phối hợp bổ sung vào kế hoạch năm 2013 và kế hoạch các năm tiếp theo để tiến hành thanh tra, kiểm toán toàn diện chương trình vốn phiếu chính phủ, trong đó tập trung vào một số dự án, công trình có biểu hiện thất thoát, lãng phí, hiệu quả đầu tư không cao như đã nêu trong Báo cáo và các dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao so với phê duyệt ban đầu.
ANH PHƯƠNG - PHAN THẢO