Làm sân khấu thiếu nhi- Dễ hay khó?

So với các năm trước, năm nay sân khấu thiếu nhi hè diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, những gì đã, đang diễn ra mới chỉ là bề nổi. Nếu ngẫm kỹ, sân khấu thiếu nhi đang phát triển tự phát, hoàn toàn thiếu tính chiến lược...
Làm sân khấu thiếu nhi- Dễ hay khó?

So với các năm trước, năm nay sân khấu thiếu nhi hè diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, những gì đã, đang diễn ra mới chỉ là bề nổi. Nếu ngẫm kỹ, sân khấu thiếu nhi đang phát triển tự phát, hoàn toàn thiếu tính chiến lược...

Làm khó, thắng không dễ

Đó là nhận định chung của nhiều “bầu” khi làm sân khấu thiếu nhi. Bởi vì, đâu chỉ diễn viên luyện tập vất vả, mà số tiền đầu tư thực hiện của các đơn vị bỏ ra cũng rất cao. Với các chương trình nhạc kịch Ngày xửa ngày xưa của Sân khấu Kịch IDECAF hay Bầy quỷ và viên ngọc thần của Đoàn Xiếc TPHCM và Công ty Quảng cáo quốc tế Giờ Vàng, số kinh phí dàn dựng đều trên 400 triệu đồng/chương trình. Nếu những chương trình này chỉ diễn được 5 - 10 suất thì xem như… từ lỗ đến lỗ.

Cảnh trong vở cải lương - xiếc “Mụ phù thủy và chiếc đũa thần”

Cảnh trong vở cải lương - xiếc “Mụ phù thủy và chiếc đũa thần”

Bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch IDECAF chia sẻ: “Những năm đầu làm sân khấu thiếu nhi, chúng tôi luôn đưa ra phương châm lấy doanh thu của kịch người lớn nuôi kịch thiếu nhi và cái lợi lớn nhất là mình đã xây dựng được lực lượng khán giả cho sân khấu tương lai. Sau nhiều năm cố gắng duy trì, “bù qua, đắp lại”, đến nay chương trình đã tạo được một thương hiệu riêng, với số lượng khán giả đến xem ngày càng đông nên chúng tôi mới có thể yên tâm mà đầu tư thực hiện... Mỗi chương trình, chúng tôi mất thời gian 3 tháng để xây dựng kịch bản, may hàng trăm bộ trang phục, tập tuồng… mới có thể cho ra mắt các em thiếu nhi”.

Nói về cái khó khi làm sân khấu thiếu nhi, bầu trẻ Gia Bảo tâm sự, vở nhạc kịch Chúa tể muôn loài anh đã đầu tư hơn 300 triệu đồng và luyện tập khá vất vả, nhưng mới diễn được 7 suất ở rạp hát Hưng Đạo thì phải ngưng vì tình trạng vé giả hoành hành. Gia Bảo cho biết, kịch thiếu nhi làm khó hơn kịch người lớn gấp nhiều lần, nhưng cơ hội thắng không dễ chút nào.

Mới đây, anh đã ký hợp đồng với Nhà hát Bến Thành diễn thêm 2 suất nữa vào trung tuần tháng 7-2010. Tuy nhiên, việc thắng - thua thế nào, vẫn còn là một ẩn số. Thê thảm hơn, vở cải lương - xiếc Mụ phù thủy và chiếc đũa thần của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Đoàn Xiếc TPHCM phối hợp thực hiện, chỉ sau một suất diễn vào đầu tháng 6-2010 thì… ngưng diễn cho đến nay.

Quên chiến lược phát triển 

Đơn vị nghệ thuật được xem là tiên phong và khá thành công tổ chức sân khấu kịch cho thiếu nhi phải kể đến Sân khấu Kịch IDECAF của bầu Huỳnh Anh Tuấn, với chương trình Ngày xửa ngày xưa. Tuy nhiên, chương trình này chỉ diễn ra vào các dịp hè, Tết Trung thu… nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thưởng thức của số đông thiếu nhi hiện nay. Còn những chương trình sân khấu thiếu nhi mới thực hiện của các đơn vị: Hoàng Thái Thanh, Kịch Phú Nhuận, Công ty Quảng cáo quốc tế Giờ Vàng - Đoàn Xiếc TPHCM, hay sự phối hợp của Đoàn Xiếc TPHCM với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, hoặc chương trình Chúa tể muôn loài của Gia Bảo… đều mới chỉ dừng lại ở lần đầu tiên thực hiện, chưa thể biết trước là tương lai có tiếp tục làm nữa hay không.

Đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho biết: “Sân khấu thiếu nhi đang hoạt động thiếu tính chiến lược. Về lâu dài, đòi hỏi phải có những nhà hát chuyên diễn kịch thiếu nhi thường xuyên, tập cho thiếu nhi thói quen đi xem kịch vào những ngày cuối tuần. Qua các vở diễn, chương trình sân khấu còn góp phần hình thành nhân cách, nhận thức điều hay lẽ phải cho các em. Muốn làm được điều này, rõ ràng phải có sự đầu tư của Nhà nước, nếu các sân khấu xã hội hóa phải tự bơi thì rất khó thực hiện…”.

Còn đạo diễn Hoàng Duẩn, người được mời tham dự nhiều kỳ liên hoan sân khấu thiếu nhi ở Thụy Điển, Ấn Độ… cho biết: “Ở nhiều nước, sân khấu thiếu nhi được chăm chút rất kỹ. Có nơi còn xây dựng những nhà hát diễn kịch thiếu nhi dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Tôi nghĩ, việc làm này rất cần thiết, bởi sự nhận thức ở mỗi lứa tuổi đều có sự khác biệt. Cho nên trong tương lai, vấn đề phát triển sân khấu thiếu nhi đòi hỏi phải có sự quan tâm của nhiều người”.

Một vấn đề đang đặt ra là, sân khấu thiếu nhi có rất ít tác giả tham gia viết kịch bản. Bởi theo tác giả Đăng Nhân, viết kịch bản cho thiếu nhi rất khó nên hiếm tác giả chịu “nhập cuộc” là điều hiển nhiên. Trong khi đó, ở các trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TPHCM tổ chức hàng năm, đa phần là kịch bản dành cho người lớn. Vì thế, nếu muốn phát triển sân khấu thiếu nhi bền vững, các hội chuyên ngành cần quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ tác giả viết kịch thiếu nhi. Hàng năm, nếu có thể, nên tổ chức các trại sáng tác kịch bản sân khấu thiếu nhi để qua đó cung cấp cho các đơn vị nghệ thuật những kịch bản tốt nhất.

VÂN AN

Tin cùng chuyên mục