Làm sao để đảm bảo công bằng khi đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hình thức trực tuyến?

Nếu bài kiểm tra định kỳ chỉ đóng vai trò là một trong những hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, kết hợp đánh giá học sinh trong nhiều thời điểm thì cả người dạy lẫn người học sẽ được cởi bỏ áp lực kiểm tra định kỳ, khi đó yêu cầu chống gian lận sẽ được gỡ bỏ. 

Sáng 2-10, gần 800 cán bộ quản lý, giáo viên, chuyên gia giáo dục và phụ huynh, học sinh đã tham dự Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Thách thức và cơ hội của việc dạy học và kiểm tra đánh giá trên môi trường Internet” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Sở Khoa học công nghệ TPHCM, Tập đoàn Công nghệ Intel và Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, trong dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh, để đạt hiệu quả tốt nhất cần môi trường dạy học tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay các trường phải triển khai dạy học trên internet.

Thực tế dạy học thời gian qua cho thấy đã xuất hiện nhiều khó khăn về môi trường dạy học, chất lượng đường truyền và thiết bị cũng như kỹ thuật dạy học của giáo viên.

Cụ thể, khi triển khai dạy học qua internet, các tiết học không được tổ chức liền mạch và thường xuyên. Môi trường dạy học hạn chế khi nhiều học sinh không có chỗ ngồi học tập yên tĩnh, xung quanh có tiếng ồn và bị ảnh hưởng bởi sinh hoạt của các thành viên khác trong gia đình.

Bên cạnh đó, triển khai dạy học qua internet đòi hỏi giáo viên phải có kỹ thuật dạy học tốt, biết sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến như quizz, kahoot… để kích thích sự tập trung và tham gia học tập của học sinh.

Tuy nhiên, việc áp dụng các phần mềm này khiến giáo viên mất nhiều thời gian chuẩn bị cũng như hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm.
Làm sao để đảm bảo công bằng khi đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hình thức trực tuyến? ảnh 1 Học sinh tiểu học ở TPHCM tham gia học tập theo hình thức trực tuyến

Đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học cho biết, năng lực ứng dụng CNTT hiện nay của giáo viên không đồng đều. Có những giáo viên rất giỏi, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ, song cũng còn nhiều giáo viên chậm trong việc sử dụng công nghệ.

Về học sinh, đặc biệt là đối tượng học sinh lớp 1 chưa có nhiều trải nghiệm học tập trên môi trường internet, các kỹ năng học tập cơ bản như nghe, nói, đọc, viết, tính toán còn hạn chế, tâm lý mới chuyển từ giai đoạn “vui chơi là chính” ở bậc mầm non sang “học tập là chính” ở bậc tiểu học đòi hỏi sự quan tâm đồng hành cũng như hỗ trợ về CNTT của cha mẹ học sinh.

Từ thực tế đó, khó khăn trong dạy học dẫn đến khó khăn trong yêu cầu kiểm tra, đánh giá. Theo đó, đánh giá không thể yêu cầu kết quả tuyệt đối đối với học sinh lớp 1, nhất là môn tiếng Việt. Đơn cử, ở yêu cầu sửa cách phát âm, đọc vần cho học sinh, giáo viên sẽ gặp khó do không nghe được âm thanh phát âm chuẩn của các em như khi học trên lớp, hạn chế của đường truyền, thiết bị…

Vì vậy, việc kiểm tra, đánh giá khó đảm bảo tính công bằng, chính xác, khó tránh việc tham gia hỗ trợ từ nhiều nguồn khác đối với học sinh. Giáo viên khó quan sát tiến trình học tập của học sinh khi chỉ quan sát được qua màn hình, không nhìn thấy những biểu hiện khác về năng lực, phẩm chất của người học. Do đó, kiểm tra, đánh giá khó đảm bảo tính bao quát, toàn diện.  

Theo TS. Nguyễn Thanh Hải, Chuyên gia về giáo dục STEM, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ), kinh nghiệm triển khai dạy học qua internet tại Mỹ là trước khi tổ chức dạy học, tất cả giáo viên đều được tập huấn hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ dạy học qua internet, ngoài ra được cung cấp nhiều nguồn tài liệu có sẵn để khi cần có thể tra cứu. Một tiết dạy online hiệu quả đòi hỏi yếu tố về công nghệ, thiết bị và đường truyền cũng như thao tác thành thạo của giáo viên - vốn đòi hỏi thời gian nhất định để làm quen và chuẩn bị. 

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay việc công nhận và đánh giá chất lượng một tiết dạy trên internet bao gồm nhiều hoạt động như theo dõi tần suất lên lớp của học sinh, đánh giá phương pháp giảng dạy của giáo viên, kết quả theo dõi quá trình tiến bộ của người học, kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ...

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc kiểm tra, đánh giá người học theo hình thức trực tuyến được thực hiện theo quy định về đánh giá thường xuyên. Trường hợp học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được giao cho người đứng đầu cơ sở, cụ thể là hiệu trưởng chịu trách nhiệm triển khai.

Đối với bậc tiểu học, hiện nay không bắt buộc giáo viên sử dụng một công cụ thống nhất mà có thể sử dụng bất kỳ công cụ nào phù hợp điều kiện cụ thể của giáo viên và phụ huynh, học sinh.

Đơn cử, giáo viên có thể giới thiệu học liệu cho phụ huynh, học sinh như học qua truyền hình, video clip bài giảng tải trên internet… Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, giáo viên không sử dụng thời gian dạy học trực tuyến tổ chức tiết học theo hình thức truyền thống, hay nói cách khác là mô phỏng lại tiết dạy trên lớp mà sử dụng thời gian đó để tạo môi trường học tập tương tác, giúp học sinh hiểu rõ hơn bài. Thời gian tổ chức một tiết học trực tuyến không kéo dài quá 20 phút, kết hợp tổ chức nhiều trò chơi, hoạt động chứ không yêu cầu học sinh chỉ chăm chăm dán mắt vào màn hình máy tính.

Đồng quan điểm, TS. Lê Chi Lan, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cũng cho biết, quá trình tổ chức dạy và học, đánh giá trực tuyến là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, thời gian đầu triển khai, cán bộ quản lý và giáo viên chưa quen, còn lúng túng với hình thức này.

Làm sao để đảm bảo công bằng khi đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hình thức trực tuyến? ảnh 2 Giáo viên dạy học trên môi trường internet để không gián đoạn quá trình học tập của học sinh

Để dạy học qua internet hiệu quả phải tác động nhận thức của người quản lý và giáo viên, có sự chuẩn bị chu đáo về tài liệu hướng dẫn, tập huấn cẩn thận cho giáo viên, tạo môi trường thực hành, thực tập để giáo viên thao tác dần dần đến khi thành thục.

Ngoài ra, các đơn vị phải xây dựng đội ngũ chuyên trách hỗ trợ cán bộ quản lý và giáo viên trong việc thực hiện dạy học và đánh giá online, đồng thời có chính sách thỏa đáng hỗ trợ những trường hợp người học không thể tham gia học tập trực tuyến để phụ huynh và học sinh yên tâm.

Trước câu hỏi làm thế nào đảm bảo tính công bằng, khách quan, giảm thiểu gian lận trong kiểm tra, đánh giá  học sinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, đánh giá học sinh hiện nay được thực hiện bằng cả hai hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
Để đảm bảo tính công bằng, chính xác, các đơn vị trường học cần quan tâm việc đánh giá thường xuyên, hướng đến mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Theo đó, kết quả đánh giá học sinh không chỉ dựa vào kết quả một, hai bài kiểm tra định kỳ mà cần kết hợp đánh giá qua hồ sơ học tập, sản phẩm của học sinh, tổ chức cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau trong cùng lớp học.
Nếu bài kiểm tra định kỳ chỉ đóng vai trò là một trong những hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, kết hợp đánh giá học sinh trong nhiều thời điểm thì cả người dạy lẫn người học sẽ được cởi bỏ áp lực kiểm tra định kỳ, khi đó yêu cầu chống gian lận sẽ được gỡ bỏ. 

Tin cùng chuyên mục