Làm sao tránh “thực phẩm bẩn”

Đến hẹn lại lên. Cứ mỗi dịp xuân về tết đến, thực phẩm bẩn lại trở thành nỗi ám ảnh trong mỗi bữa cơm của mỗi gia đình. Đặc biệt, thực trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng tại một số địa phương lớn như TPHCM ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Làm sao tránh “thực phẩm bẩn”

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TPHCM, chỉ trong vòng nửa tháng 1-2019, đơn vị đã phát hiện 9 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm liên quan đến heo, gà bị nhiễm bệnh. Riêng lực lượng liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã phát hiện thêm 6 vụ vi phạm (không lưu mẫu thức ăn, chưa xuất trình được các giấy tờ theo yêu cầu, không có ủng hoặc giày, dép sử dụng trong khu vực sản xuất). Trong khi đó, ghi nhận thực tế bên ngoài thị trường cho thấy, thị trường bánh kẹo xuất hiện nhiều sản phẩm tên na ná với thương hiệu nổi tiếng như Custard (nhái Custas), Silaté (giống với Solite), Oseo (nhái Oreo), Damisa (nhái Danisa), Tippo (nhái Tipo), hoặc các loại vỏ hộp mang mác ngoại nhưng bên trong là các loại bánh không rõ nguồn gốc. Còn ở nhóm sản phẩm gia súc, gia cầm, từ chợ truyền thống đến chợ tự phát, nơi đâu cũng có thể bắt gặp các loại thịt gà, heo, bò… được bày bán tràn lan, ruồi nhặng bu quanh. 

Tình trạng thực phẩm thiếu an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ nêu trên đã và đang được bày bán tràn lan trên thị trường, khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Bởi nếu người tiêu dùng sử dụng phải thực phẩm nhiễm bẩn, ngoài gây hại vô cùng xấu cho sức khỏe, nếu sử dụng quá liều lượng sẽ có nguy cơ ung thư cao. Đặc biệt, những sản phẩm sử dụng nhiều phụ gia, màu thực phẩm không rõ nguồn gốc. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Trong đó, có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm thiếu an toàn và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ lụy, hàng chục ngàn tỷ đồng phải chi trả cho việc khám, điều trị, xét nghiệm, chữa bệnh. Không những thế, thực phẩm bẩn còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động. Đáng báo động là tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm, như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm, quảng cáo quá mức…

“Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng về sản phẩm vẫn chưa có cơ chế để kiểm soát”, đại diện Cục An toàn thực phẩm nêu thực tế.

Trước thực trạng thực phẩm bẩn diễn biến phức tạp hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua và sử dụng. Nguyên tắc hàng đầu là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, không có mùi khó chịu. Thận trọng với những thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì rất có thể chúng chứa phẩm màu và các chất phụ gia gây hại. Tránh xa những thực phẩm không có bao bì, không rõ nguồn gốc, không cung cấp đủ thông tin sản xuất và ngày sử dụng. Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, người dùng nên đọc thật kỹ tên món hàng mình định mua và kiểm tra kỹ vỏ hộp, để tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện kịp thời và ngăn chặn thực phẩm giả, nhái, thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng. Việc thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra cần được triển khai thường xuyên, tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương. Nếu thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp cùng lúc và công tác phối hợp giữa các ban ngành chức năng “nhịp nhàng”, trách nhiệm, mới mong vấn nạn thực phẩm bẩn sẽ không còn là mối đe dọa, ám ảnh người tiêu dùng trong từng bữa ăn, nhất là vào dịp lễ, tết.

Tin cùng chuyên mục