Lan tỏa niềm đam mê khoa học cho học sinh

Trại hè Khoa học Bóng Đèn là một dự án tiên phong trong việc đưa khoa học ứng dụng gần gũi với các em trong độ tuổi THCS (12-15 tuổi) trên địa bàn TP Huế. Với khát khao lan tỏa niềm đam mê khoa học đến nhiều nơi ở Việt Nam, các bạn trẻ trong tổ chức Bóng Đèn tiếp tục đến Đà Nẵng để lan tỏa niềm đam mê khoa học cho các em học sinh tại đây.
Tiết học lý đầy thú vị của em Lê Quang Sơn dành cho trại sinh
Tiết học lý đầy thú vị của em Lê Quang Sơn dành cho trại sinh

Hoạt động bổ ích dành cho các em THCS

Trại hè Khoa học tạo ra một sân chơi bổ ích cho các bạn nhỏ có niềm đam mê đối với khoa học và ứng dụng của khoa học vào đời sống. Từ trại hè, tổ chức Bóng Đèn đã xây dựng và kết nối mạng lưới các bạn trẻ say mê khoa học ở miền Trung, đẩy mạnh phong trào yêu thích khoa học trong học đường trong những năm gần đây.

Trại sinh tham gia trò chơi phân loại các vật liệu cháy, sắp xếp tiêu lệnh chữa cháy
Năm 2019, tại Đà Nẵng, Trại hè Khoa học diễn ra 3 ngày, từ ngày 2 đến 4-8. Cũng như các lần trước, trại hè thường có 70 học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi tham gia. Với 3 ngày trại, dựa trên chủ đề là hội tụ - giao thoa - tỏa sáng, trại sinh tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau như toán, lý, hóa, sinh. Đồng thời ban tổ chức giới thiệu đến trại sinh những nhà khoa học nổi tiếng cùng với phát minh đi kèm qua “Triển lãm nhà khoa học”.
Lan tỏa niềm đam mê khoa học cho học sinh ảnh 2 Các trại sinh tham gia trò chơi chữa cháy
Được thầy cô giới thiệu, em Nguyễn Mã Sinh (14 tuổi, lớp 9, Trường THCS Chu Văn An, Đà Nẵng) hào hứng khi tham gia trại hè.

“Các anh chị dùng sự đam mê về khoa học của mình để giảng dạy cho chúng em. Như một cách “truyền lửa”, họ có cách truyền tải cuốn hút hơn những bài giảng nhàm chán ở trường học. Những bài học được giảng dạy theo chủ đề của từng nhà khoa học phát minh một cách logic, sáng tạo hơn. Trại hè như bài giảng thực tế giúp em hiểu sâu sắc hơn về các vấn đề cuộc sống. Gia đình rất ủng hộ em tham gia trại hè này”, em Sinh nhìn nhận.

Sau hai lần thí nghiệm mới thành công pin Volta-compressed
Em Võ Thị Thanh Mai (15 tuổi, học lớp 10, Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) cho biết, khi tham gia trại hè, các anh chị hướng dẫn có thể giải đáp tại chỗ những thắc mắc của em. Trại hè đã truyền cho các em niềm đam mê, giải quyết sự tò mò của bản thân.

Em Nguyễn Hồ Minh Khoa (13 tuổi, học lớp 8, trường THCS Trưng Vương, Đà Nẵng) đến tham gia qua sự giới thiệu của ba mẹ. “Đây là lần đầu tiên em tham gia một hoạt động khoa học thú vị. Có nhiều bạn bè, cùng với những anh chị hướng dẫn dễ tính, hài hước, năng động”, em Khoa cho hay.

Lan tỏa niềm đam mê khoa học

Bóng Đèn là một tổ chức phi lợi nhuận. Tổ chức này hoạt động dựa trên phương thức tình nguyện, được thành lập vào tháng 7-2016 tại Huế. Trong đó có 13 thành viên đầu tiên là những bạn trẻ đam mê khoa học tại Huế, Đà Nẵng và các bạn học sinh đang học tập ở nước ngoài.  

Những năm trước, khi trại hè sắp diễn ra, các bạn ở xa lặn lội ra Huế sắp xếp thời gian hợp lí để kịp tham gia chương trình. Với tính thiết thực của các hoạt động, trải qua một thời gian ban tổ chức Bóng đèn nhận thấy mô hình này cần được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Hướng dẫn các trại sinh làm pin Volta-compressed
Trại sinh tham gia trải qua hai vòng sơ tuyển: vòng 1 đăng kí thông tin; vòng 2 phản ứng của các bạn khi xem thí nghiệm khoa học. Khác với những trại hè bình thường, chương trình không có vòng kiểm tra về kiến thức của các trại sinh. Điều quan trọng đầu tiên trong trại hè không phải là kiến thức mà là niềm đam mê của trại sinh đối với khoa học.

Em Lê Quang Sơn, 17 tuổi, thành viên ban nội dung, du học sinh Trường The MacDuffie (Hoa Kỳ) chia sẻ: Khoa học thì phải có ứng dụng. Những kiến thức trong trại hè hoàn toàn có thể ứng dụng trong đời sống. Nó được sử dụng để giải thích hiện tượng thực tế. Điểm mới lạ của trại hè Đà Nẵng là chú ý về những vấn đề đang nóng hổi hiện nay như phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường. Điều đó thể hiện khi trại sinh cùng ban tổ chức không được phép sử dụng vật dụng bằng nhựa trong trại hè. Những hộp ăn cơm trưa của mọi người đều sử dụng bằng bã mía - một vật liệu có thể tái chế và thời gian phân hủy nhanh nhằm bảo vệ môi trường.

Từ 3 năm trước, em Cáp Kim Quang tham gia trại hè với tư cách là một thành viên đến từ Đà Nẵng. Đến nay, em Cáp Kim Quang trở thành thành viên lâu năm nhất và là một trong những người điều hành ban tổ chức chương trình trại hè năm 2019 tại Đà Nẵng.

Em Quang cho biết các thành viên trong ban tổ chức đều từ 18 đến 22 tuổi. Với độ tuổi như vậy, ban tổ chức sẽ không có sự cách biệt quá lớn về tuổi tác đối với trại sinh.

Vì vậy, những người hướng dẫn các trại sinh có thể hiểu được làm cách nào để các em có thể tiếp thu một cách hoàn chỉnh nhất. Tuy nhiên, với số tuổi còn quá ít, ban tổ chức không có nhiều kinh nghiệm đặc biệt là các bạn ở trên ghế nhà trường. Bởi vậy, ban tổ chức có sự tham khảo góp ý về mặt tổ chức cũng như nội dung của các thầy cô. Họ cũng tập luyện không ngừng khi chuẩn bị hội trại này.

Mặc dù vậy, với mô hình tích hợp đầy sáng tạo, trại hè đã tạo ra những mầm non mới có niềm đam mê khoa học, góp phần làm đưa nền giáo dục của nước nhà ngày càng tiên tiến hơn.

Tin cùng chuyên mục