Lan tỏa tình yêu thương

Phát huy tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo, trong từng việc làm, các chư tăng, ni sư đã không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào để chung tay chăm lo đồng bào và nhân dân.
Đông đảo tăng ni, phật tử, người dân tham gia hiến máu tại chùa Phước Tường, TP Thủ Đức (TPHCM)
Đông đảo tăng ni, phật tử, người dân tham gia hiến máu tại chùa Phước Tường, TP Thủ Đức (TPHCM)

Gieo những duyên lành

Như một thói quen, hơn 10 năm qua, cứ đến ngày thứ hai cuối cùng của tháng chẵn trong năm, tăng ni, phật tử, người dân lại đến chùa Phước Tường (phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TPHCM) tham gia hiến máu. Nhờ có khuôn viên khá rộng, Thượng tọa Thích Nhựt An, trụ trì chùa Phước Tường cùng Hội Chữ thập đỏ phường và địa phương thực hiện chương trình ý nghĩa tại chùa và kêu gọi tăng ni, phật tử, người dân tham gia hiến máu. Cá nhân Thượng tọa Thích Nhựt An cũng đã có gần 10 lần tham gia hiến máu cứu người.

Điều ấm áp là ngoài tiêu chuẩn người hiến máu được hưởng theo quy định, Thượng tọa Thích Nhựt An còn tặng mỗi người tham gia hiến máu một phần quà để động viên tinh thần. Chính sự quan tâm hỗ trợ này đã giúp nhiều người thêm ấm lòng và tích cực tham gia chương trình ý nghĩa này. Không chỉ vậy, tại chùa Phước Tường còn có vườn ươm thuốc nam, phòng thuốc nam từ thiện giúp người bệnh khó khăn có cơ hội được trị bệnh miễn phí. Thượng tọa cũng tổ chức các buổi trao học bổng, xây nhà, xây cầu, trao quà cho học sinh, người dân khó khăn tại TPHCM và các tỉnh thành. Tất cả những việc làm hữu ích ấy, Thượng tọa Thích Nhựt An cho biết đều xuất phát từ tấm lòng và những điều học tập từ Bác Hồ.

Không chỉ trong tháng Phật đản hay dịp lễ tết, mà hầu như suốt năm, phật tử rất ít khi gặp được Hòa thượng Thích Chơn Tịnh, trụ trì chùa Thường Quang (quận 8, TPHCM) tại chùa. Bởi gần 35 năm qua, Hòa thượng Thích Chơn Tịnh luôn tất bật ngược xuôi cùng các nhà hảo tâm đi xây cầu, xây nhà tình thương, tặng giếng nước, hỗ trợ mổ mắt, tặng xe lăn... cho người nghèo; trao học bổng đến trẻ em hiếu học ở vùng sâu, vùng xa. Trong ngần ấy năm, Hòa thượng Thích Chơn Tịnh âm thầm gieo duyên lành nối yêu thương đến mọi người để nhiều người vơi bớt gánh nặng cuộc sống. Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, vừa trở về từ chuyến đi trao nhà tình thương, xe lăn cho người nghèo khuyết tật ở tỉnh Bạc Liêu, Hòa thượng Thích Chơn Tịnh lại chuẩn bị mọi việc để kịp chuyến trao quà người nghèo trong lễ Phật đản. “Bác Hồ luôn mong muốn làm sao để người nghèo bớt khổ, tôi và các phật tử chỉ mong góp được chút sức mọn để thực hiện tâm ý ấy của Bác”, Hòa thượng Thích Chơn Tịnh chia sẻ.

Học Bác đoàn kết toàn dân tộc

Thời gian qua, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã hiện hữu ở nhiều nơi trong các cơ sở tôn giáo và tạo được sức lan tỏa đến tăng ni, phật tử cùng người dân. Theo thói quen, cuối tuần qua, bà Trần Thanh Thủy (65 tuổi) cùng cháu ngoại đi lễ Phật nhân dịp lễ Phật đản tại Chơn Đức Thiền viện (phường 3, quận Bình Thạnh). Sau khi xong các phần lễ, bà Thủy và cháu lại ghé vào khu trưng bày Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay trong chánh điện để thắp hương Bác Hồ và đọc sách về Bác. Gần 1 năm qua, mỗi lần đến đây lễ Phật, bà Thủy không quên ghé vào không gian này để xem lại những hình ảnh, tư liệu về Bác. Không chỉ vậy, các chương trình do thiền viện phát động như túi gạo nhân ái, không đốt vàng mã để dành tiền giúp người nghèo, bảo vệ môi trường..., bà Thủy và nhiều phật tử đều tích cực tham gia.

Theo Thượng tọa Thích Huyền Ý, trụ trì Chơn Đức Thiền viện, gần 1 năm qua, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nơi đây đã giúp tăng ni, bà con phật tử dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu, thấm nhuần lời dạy để học tập theo đạo đức, phong cách của Người. Từ nhiều tư liệu, sách quý về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều hình ảnh cuộc sống đời thường, trong công việc, với thiếu nhi, người dân của Bác Hồ đã giúp người dân tìm hiểu, học tập và làm theo bằng những việc làm hàng ngày.

Việc đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 12 và huyện Củ Chi (TPHCM) quan tâm, vận động trụ trì các chùa và tịnh xá trên địa bàn tham gia. Chính sự vào cuộc tích cực của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 12 và huyện Củ Chi, đến nay, nhiều chùa, tịnh xá đã xây dựng không gian và thu hút đông đảo tăng ni, phật tử, người dân đến tham quan, học tập Bác. Bằng cách làm thiết thực, sống tốt đời, đẹp đạo, các chư tăng, ni sư, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận, huyện, TP Thủ Đức tại TPHCM đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thêm gắn kết.

Tin cùng chuyên mục