Làng múa rối nước TPHCM: Thêm một gương mặt mới

Vào tối 24-5, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Sài Gòn đã tổ chức lễ ra mắt công chúng thành phố. Như vậy, tại TPHCM hiện có ba đơn vị chuyên biểu diễn phục vụ múa rối nước: Nhà hát Phương Nam, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng và Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Sài Gòn.
Làng múa rối nước TPHCM: Thêm một gương mặt mới

Vào tối 24-5, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Sài Gòn đã tổ chức lễ ra mắt công chúng thành phố. Như vậy, tại TPHCM hiện có ba đơn vị chuyên biểu diễn phục vụ múa rối nước: Nhà hát Phương Nam, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng và Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Sài Gòn.

Tiết mục múa rối nước Bát tiên của Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Sài Gòn

Loại hình nghệ thuật độc đáo này ra đời vào khoảng năm 1121, thời vua Lý Nhân Tông. Đây là khoảng thời gian mà các nhà sử học, nhà khảo cổ đánh giá là thời kỳ nền văn hóa nghệ thuật ở nước ta phát triển mạnh mẽ. Loại hình nghệ thuật múa rối nước góp phần tái hiện lại những sinh hoạt đời thường của người nông dân Việt cổ - một nền văn hóa lúa nước lâu đời. Bộ môn nghệ thuật độc đáo lấy mặt nước làm sân khấu này đến nay luôn được lưu truyền, gìn giữ, tổ chức đa dạng, phong phú, trình diễn phục vụ người xem nhiều trò diễn hấp dẫn, lôi cuốn.

Cũng thông qua loại hình nghệ thuật giải trí truyền thống này, người xem, nhất là khán giả nhí và khán giả trẻ tuổi thêm hiểu hơn về lịch sử và những mảng màu đa sắc của cuộc sống, những sinh hoạt thường ngày của ông cha. Với khách du lịch, từ lâu, loại hình nghệ thuật độc đáo này luôn là món “đặc sản” mà họ muốn được thưởng thức khi đến TPHCM.

Để giúp múa rối nước có thêm nhiều cơ hội đến với công chúng trẻ và du khách quốc tế, một số anh em diễn viên, nhạc sĩ, những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này đã kết hợp tổ chức ra mắt Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Sài Gòn. Đơn vị nghệ thuật xã hội hóa này tập trung biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên ở các trường học, trẻ em vùng sâu vùng xa, tổ chức các lớp giảng dạy về nghệ thuật rối và chế tạo đồ lưu niệm, liên kết với các công ty du lịch để phục vụ quảng bá múa rối nước cho du khách quốc tế…

Trong các chương trình biểu diễn của mình, Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Sài Gòn sẽ luân phiên biểu diễn 11 trò cổ tiêu biểu: Tễu, Múa Rồng, Lân tranh cầu, Múa chim Loan Phượng, Nông nghiệp, Cáo bắt vịt, Đánh cá trên sông, Bơi, Bát âm, Bát tiên, Tứ linh...

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015, đoàn sẽ đầu tư dàn dựng một vở múa rối dài, mang âm hưởng dân gian Nam bộ, nội dung đang được lựa chọn là Bác Ba Phi hoặc Thần đồng đất Việt. Trong các chương trình biểu diễn, ban tổ chức xây dựng thêm các tiết mục trình diễn đờn ca tài tử, tổ chức và giới thiệu trò chơi dân gian cho khán giả… Trước mắt, vào mùa hè 2015, vào các ngày 31-5, 1 và 2-6, đoàn sẽ biểu diễn phục vụ thiếu nhi TPHCM 4 suất diễn/ngày.

Ông Trần Lộc, Giám đốc Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Sài Gòn chia sẻ: “Đã có một thời gian loại hình nghệ thuật múa rối nước bị quên lãng, không có đất sống. Vì thế, chúng tôi gồm một nhóm anh em tâm huyết với bộ môn nghệ thuật độc đáo này đã cùng góp sức, bắt tay xây dựng, tổ chức biểu diễn để góp phần tuyên truyền quảng bá, bảo tồn và phát triển múa rối nước. Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với các đơn vị giáo dục và du lịch để có thể phát huy tốt nhất có thể những giá trị nghệ thuật vốn có của bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mong muốn chung tay gìn giữ và quảng bá sâu rộng hơn trong công chúng các loại hình nghệ thuật khác như hát bội, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian. Với bộ môn nghệ thuật hát bội, chúng tôi đang cố gắng xây dựng điểm đến du lịch chuyên phục vụ khán giả trong nước và du khách quốc tế tại Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh”.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục