Lắng nghe nhà văn nói về nghề

Ngày 8-6 tại Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM đã diễn ra tọa đàm và ra mắt sách Nhà văn nói về nghề do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức. Chương trình có sự tham gia của nhiều nhà văn và giới chuyên môn như: Trần Văn Tuấn, Bích Ngân, Trầm Hương, Bùi Anh Tấn, Nhật Chiêu, Lưu Vĩ Lân, PGS-TS Võ Văn Nhơn, TS Hà Thanh Vân, TS Hồ Khánh Vân…

Một tư liệu hữu ích về văn chương

Ấn phẩm Nhà văn nói về nghề (NXB Văn học) được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức thực hiện, sách dày hơn 300 trang, tập hợp 36 bài viết, được xem như 36 quan niệm làm nghề của các nhà văn trong nước. Không theo một tiêu chí về danh tiếng hay tuổi tác, cuốn sách là sự đan xen giữa 36 bài viết của nhiều gương mặt văn chương đương đại hay những người đã khuất, từ Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Sơn Nam đến Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Trần Văn Tuấn… Và cũng không thể thiếu những gương mặt trẻ hơn như Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Uông Triều, Nguyễn Thị Kim Hòa…

Lắng nghe nhà văn nói về nghề ảnh 1 Ấn phẩm Nhà văn nói về nghề chứa đựng nhiều tư liệu quý giá về văn chương
Là một trong những người tham gia thực hiện ấn phẩm này, PGS-TS Bùi Thanh Truyền bày tỏ: “Những kinh nghiệm thiết thực, bổ ích đúc kết từ trải nghiệm sống và viết là sự kết nối, vẫy gọi nhiệt thành để những người yêu văn chương có thêm dũng khí, năng lượng mơ cùng chữ, bay cùng chữ, hạnh phúc cùng với chữ. Dĩ nhiên, từ học hỏi tri thức, kinh nghiệm của người trước đến tiêu hóa, vận dụng được nó là cả một quá trình”.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho rằng, nhà văn là viết văn, là làm ra tác phẩm văn chương, sáng tạo ra thế giới tinh thần, một thế giới không chỉ cho mình. Do đó, công việc của người viết văn, của một nhà văn không chỉ là nghề mà còn là nghiệp.

“Đối diện với trang viết, mỗi nhà văn có cách ứng xử riêng. Đó không chỉ là thái độ nhà văn đối với đứa con tinh thần của mình mà còn chính là sự ứng xử của mình đối với cuộc đời và đối với chính mình. Có lẽ, sự khác biệt này, làm cho quyển sách Nhà văn nói về nghề thêm thuyết phục, không chỉ đối với người viết, người đọc mà cả với người truyền dẫn cái hay cái đẹp và cả sự bất toàn của văn chương”, nhà văn Bích Ngân nói thêm.

Lắng nghe nhà văn nói về nghề ảnh 2 Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại chương trình 
Không chỉ có giá trị với người cầm bút, tập sách Nhà văn nói về nghề còn có giá trị với những người đang nghiên cứu và giảng dạy văn học ở các trường phổ thông và đại học. TS Hồ Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, trường ĐH KHXH&NV TPHCM bày tỏ sự vui mừng khi có một ấn phẩm “quý hơn vàng”.
Lắng nghe nhà văn nói về nghề ảnh 3 TS Hồ Khánh Vân đánh giá ấn phẩm Nhà văn nói về nghề "quý hơn vàng" bởi những sự trải nghiệm của chính mỗi nhà văn ở trong đó
“Được nghe chính nhà văn nói về nghề là một trải nghiệm từ bên trong của nhà văn mà không ai có thể thay thế được. Cả một đời sáng tạo, cả một đời cày bừa trên trang giấy, trải qua bao nhiêu buồn vui, khổ ải, lên bờ xuống ruộng với chính trang giấy của mình, thì họ mới có thể rút ruột ra để sáng tạo nên những tác phẩm. Những điều ấy, ở khía cạnh là độc giả hay những người làm nghiên cứu như chúng tôi khó có thể tưởng tượng và hình dung được, mà phải nghe chính họ trải nghiệm. Đối với tôi đây là một cuốn sách rất quý giá”, TS Hồ Khánh Vân chia sẻ.

Vươn lên những điều siêu việt

Việc ra mắt cuốn sách Nhà văn nói về nghề như một duyên cớ để các nhà văn bộc bạch về nghề viết. Nhà văn Lưu Vĩ, chủ nhân giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn TPHCM năm 2011 và giải A Giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhận ra một điều: thực chất, khi chúng ta bắt đầu cầm bút và ngồi xuống viết là chúng ta đã rơi vào dòng suy tưởng. Đối với ông, văn chương không phải là một nghề, khi ngồi vào bàn viết đó là một nghi thức rất huyền bí. Và công việc của nhà văn không phải để tạo ta những áng văn chương, tạo ra những điều thuyết phục mới mà phải moi được trong lịch sử, trong cuộc sống của mình những nét kỳ lạ của cuộc đời, những diễn biến, những bí ẩn của lịch sử phải được tìm thấy.

Từ những tác phẩm lớn như Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, Chiến tranh và hòa bình, Cuốn theo chiều gió… nhà văn Lưu Vĩ Lân cho rằng, dù mỗi tác phẩm đều bám vào một hoàn cảnh lịch sử nhưng nó không có gắn kết với hoàn cảnh lịch sử thời điểm đó.

Lắng nghe nhà văn nói về nghề ảnh 4 Nhà văn Lưu Vĩ Lân 
“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải thoát ra được khoảng thời gian cũng như thực tế của lịch sử đó để tạo ra một hình ảnh lung linh của huyền thoại. Nếu chúng ta làm được đó thì tác phẩm của chúng ta mới vượt lên được, không phải là điển hình của xã hội, mà tư duy hiện thực của xã hội đó đẩy lên thành vóc dáng của những điều siêu việt. Chúng ta phải từ thực tại vươn lên những điều siêu việt. Nếu làm được những điều đó, chúng ta sẽ bắt đầu có tác phẩm tốt”, nhà văn Lưu Vĩ Lân cho biết. 

Với nhà văn, họa sĩ Trần Luân Tín, viết văn được khởi nguồn từ sự thôi thúc mạnh mẽ. Theo ông, chúng ta không thể không viết nếu như trong lòng không có sự thôi thúc. “Đồng thời tôi cũng nghĩ rằng, sự phát triển của văn học cũng xuất phát từ đó, xuất phát từ những sự thôi thúc, trằn trọc, lao động hết mình đối với mỗi cá nhân người cầm bút”, nhà văn Trần Luân Tín nói thêm.

Lắng nghe nhà văn nói về nghề ảnh 5 Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Trương 
Trong khi đó, nhà văn Elena Pucillo Trương lại cho rằng, nhà văn hôm nay có một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là chuyển tải ngôn ngữ thường ngày vào những trang viết của mình qua những con chữ có chăm chút và chọn lọc. Bà bày tỏ sự lo ngại khi có rất nhiều trường hợp, không riêng ở Việt Nam mà cả ở Ý, Pháp… có tình trạng dùng tiếng Anh chen vào các bài báo hay các tác phẩm văn chương.

“Thực sự đây không phải là sự mở rộng mà đối với tôi đây là một sự ô nhiễm của môi trường văn hóa. Sử dụng ngôn ngữ của đất nước, của địa phương mình là cách làm giàu cho văn hóa của mình. Nếu mình lười hoặc dùng ngôn ngữ khác chen vào bằng ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp thì nó sẽ chỉ làm nghèo đi văn hóa, và cho thấy sự thiếu khả năng diễn đạt của mình. Mà một nhà văn thì không thể thiếu khả năng diễn đạt”, nhà văn Elena Pucillo Trương bày tỏ. 

Tin cùng chuyên mục