Làng nghề ở ĐBSCL đón lũ

 Những ngày này, mực nước ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhưng vẫn còn thấp. Theo dự báo của các cơ quan khí tượng - thủy văn, nước lũ năm nay không cao và có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 9-2020. Dù vậy, các làng nghề ở ĐBSCL đã khởi động chờ con nước lũ.
Người dân thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) sản xuất lợp mùa lũ
Người dân thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) sản xuất lợp mùa lũ

Sản xuất cầm chừng

Trái với không khí nhộn nhịp của mọi năm tại các làng nghề ngư cụ, như làng nghề làm lưới - lú Thơm Rơm (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ); làng lưới Lai Vung, làng nghề lợp cua thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp)… thì năm nay đa phần hoạt động kém sôi động. Phóng viên Báo SGGP đã đến vùng “rốn lũ”, nơi được xem là nhộn nhịp nhất mỗi khi con nước lũ đổ về. 

Ông Nguyễn Văn Ghi (xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), một trong những hộ có truyền thống làm lợp cua, cho biết: “Năm nay, nước từ thượng nguồn về muộn và đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, hoạt động đánh bắt thủy sản khu vực đầu nguồn cũng chỉ mới vào mùa. Do vậy, sức tiêu thụ ở các làng nghề làm ngư cụ không nhộn nhịp bằng những năm trước”. Theo ông Ghi, ở khu vực này khi nước lũ về,  làng nghề thường hoạt động tất bật. Hàng năm, để chuẩn bị làm lợp, khoảng tháng 3 là nông dân bắt đầu mua tre về chuốt, phơi, để sẵn đến tháng 6, tháng 7 đan lợp theo đơn đặt hàng. Ông phải ra tận huyện Hồng Ngự chọn từng cây tre già, để lợp đạt chất lượng và có thể sử dụng 2-3 mùa. Năm nay, đơn hàng ít nhưng cũng tranh thủ làm, ngóng con nước lũ những ngày tới. 

Với trên 20 năm kinh nghiệm của mình, ông Ghi cho rằng người dân xứ này sản xuất lợp cua quanh năm, nhưng nay thấy đìu hiu do lũ về muộn gần 1 tháng. Nếu như mọi năm gia đình ông làm khoảng 4.000 cái lợp cua giao cho khách hàng, thì năm nay chỉ khoảng 2.000 cái. Dù nghề này phụ thuộc theo con nước lũ, nhưng đây là nghề nuôi sống nhiều hộ mấy chục năm nay rồi, dù thế nào cũng phải làm cầm chừng chờ nước lũ về.

Ông Lê Văn Phúc (ngụ xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) làm nghề lợp cua hơn 15 năm, chia sẻ: “Hiện giá lợp cua bán ra thị trường 28.000-30.000 đồng/cái, sau khi trừ đi chi phí, mỗi cái lợp người sản xuất có lãi 10.000-15.000 đồng. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và tỉnh lân cận Long An, đồng thời xuất sang nước bạn Campuchia. Nghề này không giàu nhưng có thể sống ổn định trong mùa nước nổi. Đầu năm nay, sức tiêu thụ chưa mạnh, hy vọng vài ngày tới đơn hàng sẽ nhiều hơn, để bà con làm nghề có thêm thu nhập”.

 Chờ con nước lũ

Những nông dân sống ở vùng “rốn lũ” Đồng Tháp Mười vẫn đang ngóng lũ về từng ngày để khai thác thủy sản mưu sinh. Mười mấy năm định cư tại đây, ông Ngô Văn Đột chưa bao giờ lại chứng kiến thiên nhiên khắc nghiệt như vậy. 

Theo quan sát của ông Đột, tại cống Xả Mác, một trong những miệng cống đón lũ đầu tiên ở khu vực đầu nguồn xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), vài ngày trước, nước còn ngấp nghé tràn đồng nhưng nay lại đổ về sông. “Năm nay lũ thấp nhất luôn, còn mấy con nước nữa mình không biết sao vì thời tiết thay đổi quá. Hồi trước nước lên thì cống này chảy suốt, còn giờ nước ròng chảy ngược ra sông, khô đồng luôn. Năm nay đâu có cá mắm gì nhiều, bởi lũ về trễ không có nước. Bây giờ sống cầm chừng, đợi tới xuống giống lúa đông xuân”, ông Đột giọng buồn buồn, cho biết.

 Với người dân vùng “rốn lũ” sống bằng nghề khai thác thủy sản là chủ yếu, những người nào có đất thì làm ruộng, đặt dớn kiếm cá ăn chút đỉnh. Còn những người dân sống dựa vào con nước, nếu lũ thấp thì không cách nào khác là phải lặn lội đến những đồng sâu có lũ, hoặc đánh bắt trên các nhánh sông Tiền kiếm sống, nhưng nhìn chung những mẻ lưới mùa này cũng không mấy khả quan. Nếu như mọi năm, vào khoảng tháng này thì người dân đã bỏ túi vài triệu đồng, kiếm được từ giăng câu, thả lưới, lợp lờ các thứ… nhưng nay nước không có nhiều, mỗi ngày kiếm khoảng 100.000 đồng tiền cá mắm là mừng. 

Nhìn qua các cánh đồng xả lũ ở huyện Hồng Ngự, hiện tại hầu như chưa có lũ về nhiều. Trao đổi với chúng tôi, những nông dân sống ở vùng này cho biết, nhiều nông dân như chúng tôi đã cày xới đất sẵn sàng để chờ lũ “nhảy” lên bờ, đón phù sa, nhưng giờ ruộng đồng vẫn khô cạn. Những ngư cụ đánh bắt thủy sản nằm trơ trên ruộng, dự báo một vụ sản xuất mới sẽ gặp nhiều khó khăn… 

Tin cùng chuyên mục