Lãnh đạo Bộ Công thương nói “mất ngủ” khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn "trục trặc"

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức ở Hà Nội chiều 18-5, báo chí đã đặt câu hỏi về hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trước thông tin nhà máy này gặp các vấn đề tài chính, có khả năng tác động đến việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023.
Họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 18-5

Họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 18-5

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ than, dầu khí (Bộ Công thương) cho biết, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, chiếm 35%-40% thị phần. Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhà máy này đã sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại và đến nay nhà máy vẫn hoạt động ổn định.

Về vấn đề thiếu dòng tiền, có nguy cơ dừng hoạt động của nhà máy này, theo ông Tùng, ngày 19-4, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các bên liên doanh nước ngoài về việc tái cấu trúc của nhà máy.

Bộ Công thương xác định, tái cấu trúc là vấn đề nội tại của doanh nghiệp. “Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các bên liên doanh cần chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoạt động hiệu quả” - ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu

Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, việc giải quyết khó khăn của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là vấn đề nội tại của chính nhà máy này.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thừa nhận khó khăn trong quản lý khi Nghi Sơn là nhà máy chiếm 35%-40% thị phần, nhưng trong quá trình hoạt động, mỗi năm có đến 35-40 ngày bảo dưỡng, chưa kể có rất nhiều trục trặc. “Một đơn vị cung ứng 35%-40% xăng dầu mà hoạt động không ổn định, trong khi về mặt cam kết, Bộ Công thương phải ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của nhà máy này. Mỗi khi nhà máy này trục trặc là chúng tôi mất ăn, mất ngủ” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN và các đối tác khác là Kuwait và Nhật Bản. Trong đó, PVN chỉ chiếm nắm giữ 25,1% cổ phần.

Tin cùng chuyên mục