Nhiều trẻ em hoãn tiêm chủng
Mặc dù đã hơn 6 tháng tuổi nhưng con gái của chị Trần Thị Thúy Anh (37 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine 6 trong 1 (vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh viêm màng não do Hib). Theo lịch, đến tháng thứ 6 con của chị Thúy Anh phải hoàn thành đủ 3 mũi vaccine này.
Chị Anh thổ lộ: “Mình đưa bé đi tiêm phòng tại Bệnh viện Hùng Vương mũi đầu tiên lúc 2 tháng tuổi, nhưng sau đó tình hình dịch bệnh phức tạp nên không dám đưa con đến chỗ đông người, đành lỡ hẹn với 2 mũi còn lại. Mình tính khi nào dịch bớt phức tạp mới lại đưa con đi tiêm”.
Con trai của chị Lê Thảo Hiền (ngụ TP Thủ Đức, tphcm) cũng chưa được tiêm mũi vaccine sởi lần 1 dù sắp tròn 1 tuổi, trong khi đáng lẽ cháu phải được tiêm vaccine sởi ở thời điểm 9 tháng tuổi. Tình hình dịch bệnh căng thẳng là lý do khiến chị ngần ngại, không đưa con đi chích ngừa đúng lịch: “Mình cũng lo không tiêm vaccine thì bé sẽ bị bệnh, nhưng bây giờ đưa con đến nơi đông người lại sợ dính Covid-19”, chị Thảo Hiền nói.
Theo PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, từ đầu năm đến nay số lượng trẻ em đến tiêm các mũi vaccine tại bệnh viện này giảm khoảng 1/3 so với những năm trước. Dịch Covid-19 kéo dài là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh trì hoãn lịch tiêm chủng của con em mình, nhất là trong thời điểm TPHCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, cho rằng, dịch Covid-19 đang gây gián đoạn chương trình tiêm chủng ở nhiều nơi. Việc bỏ lỡ các cột mốc quan trọng trong lịch tiêm phòng ở thời điểm mấu chốt này có thể đe dọa đến sức khỏe của trẻ em. Theo dữ liệu thu thập trên phạm vi toàn cầu, hơn 117 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ lỡ tiêm phòng sởi do dịch Covid-19. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm và đã xuất hiện các ca mắc sởi, ho gà... ở trẻ em.
Là hệ thống tiêm chủng có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, tuy nhiên, tại Hệ thống tiêm chủng VNVC trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng các mũi vaccine cho trẻ em giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguy cơ dịch bệnh quay lại
Th.S-BS Huỳnh Thị Rô Ny, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xuyên Á, chia sẻ, việc các gia đình lo lắng và hoãn tiêm chủng cho trẻ hay cho bản thân trong mùa dịch là việc không nên. Tiêm vaccine đúng lịch và đầy đủ trong mùa dịch cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tiêm chủng là cách tốt nhất giúp trẻ tránh được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp cơ thể tạo kháng thể miễn dịch chủ động chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm di chứng nặng nề... và giúp trẻ nhỏ phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí não.
Ngoài ra, chi phí dành cho tiêm chủng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị, nếu trẻ chẳng may mắc các bệnh truyền nhiễm nói trên. Hơn nữa, tiêm chủng còn giúp hạn chế tối đa nhầm lẫn triệu chứng sốt, ho, sổ mũi giữa Covid-19 với cúm mùa và một số bệnh viêm đường hô hấp khác.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia các bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho rằng, nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều các loại vaccine phòng bệnh, sau khi dịch Covid-19 qua đi, nguy cơ các loại dịch bệnh khác sẽ quay trở lại và điều này rất nguy hiểm đối với sức khỏe trẻ nhỏ, nhất là các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, viêm màng não... Do vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine phòng bệnh cơ bản, bởi đây sẽ là “tấm khiên” giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Theo PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Bệnh viện Hùng Vương và các cơ sở y tế công lập khác trên địa bàn vẫn triển khai tiêm chủng cho trẻ em như bình thường. Công tác phòng dịch cũng được triển khai chặt chẽ. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh sẽ được khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt ngay tại cổng bệnh viện. Ở khu vực tiêm chủng có bố trí xà phòng khử khuẩn, ghế ngồi giữ khoảng cách và đặc biệt, tất cả đều được khám sàng lọc đầy đủ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng, việc người dân lo lắng là điều dễ hiểu, nhưng không có nghĩa là hoang mang và buông bỏ tất cả hoạt động bình thường, nhất là hoạt động chăm sóc sức khỏe cho con trẻ trong mùa dịch.
“Đối với công tác tiêm phòng, nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi vaccine phòng bệnh cần thiết. Nếu không đến được các cơ sở y tế lớn thì phụ huynh có thể đưa con em mình đến các cơ sở y tế gần nhất như trạm y tế phường, xã có thực hiện tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để trẻ vẫn nhận được các mũi tiêm phòng đúng lịch, giúp phòng bệnh về sau”, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết thông tin.
Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, đã đến lúc chúng ta lập kế hoạch khôi phục hoạt động của chương trình tiêm chủng, đồng thời đảm bảo giãn cách xã hội và an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế và cộng đồng. Cũng đã đến lúc chúng ta phối hợp tổ chức tiêm bù cho trẻ đã bỏ lỡ tiêm chủng thiết yếu trong những tháng vừa qua. |