Laptop ngày càng rẻ và “ngon”

Hiện nay, laptop không còn là thứ tài sản mà là công cụ để “kiếm cơm”, học tập từ học sinh tiểu học cho đến đại học, nhất là trong mùa dịch Covid-19 năm ngoái tới nay. Cùng cấu hình, nhưng laptop đang có xu hướng ngày càng rẻ, tính theo mức thu nhập và tiêu dùng trung bình của người lao động.
Ngày nay, việc chọn một cái laptop ưng ý và và vừa túi tiền là hết sức dễ dàng
Ngày nay, việc chọn một cái laptop ưng ý và và vừa túi tiền là hết sức dễ dàng

10 năm trước, đủ tiền sắm một chiếc máy tính xách tay (gọi tắt là laptop) là “oai lắm”. Vì nhiều lẽ..., nhưng trước hết, người mua máy phải có nhiều tiền. Hồi đó, có người mua laptop còn tính bằng vàng theo đơn vị “chỉ này, chỉ nọ”. Nhưng nay đã khác...

Giá rẻ, dễ dàng mua

Thị trường laptop trong nhiều năm qua vẫn là những gương mặt quen thuộc: Apple, Asus, Dell, HP, Acer, Lenovo... và gần đây có vài gương mặt mới như Haier, Avita nhưng chiếm lĩnh thị trường vẫn là những thương hiệu lớn. Thống kê mới nhất của GfK Việt Nam vào tháng 2, dẫn đầu thị trường là Asus – 27%, kế tiếp là Dell – 22%, HP – 20%...

Thương hiệu laptop trên thị trường không nhiều thay đổi nhưng giá trị của nó đã thay đổi rất nhiều, mang lại lợi ích thiết thực cho người mua. Như chừng 5 năm trước, với nhiều người lao động có mức thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/ tháng, muốn mua một chiếc laptop, tiết kiệm chừng 3 tháng để mua một chiếc có giá 6 triệu đồng (chạy CPU Celeron, Pentium); còn muốn mua một chiếc laptop có CPU là core i phải tiết kiệm khoảng 5 - 7 tháng. Đó là cách tính theo hình thức trả góp dành cho mặt hàng này đang được các kênh bán lẻ áp dụng, trong đó đã tính cả phần lãi suất mà người tiêu dùng trả cho các công ty tài chính.

Laptop ngày càng rẻ và “ngon” ảnh 1 Với những chiếc laptop giá trị cao như MacBook, người mua được nhiều ưu đãi và còn được chăm sóc tốt, kể cả ngồi ở nhà sẽ có người mang máy đến giao
Theo một báo cáo mới nhất của GfK Việt Nam về mặt hàng laptop, trong tháng 2-2021, lượng laptop bán ra là hơn 62.000 máy, tăng 33% so với tháng 2-2020 bán được 47.000 máy. Một nhà bán lẻ nhận định, lượng laptop bình quân năm nay sẽ vượt qua con số bình quân 50.000 máy/tháng của năm 2020.
Còn nay, muốn mua một chiếc laptop, dựa theo thu nhập thực tế của người lao động, thời gian tiết kiệm đã được rút ngắn. Ông Hoàng Văn Dũng, phụ trách ngành hàng laptop của FPT Shop bình luận: “Hiện nay có nhiều dòng laptop cùng cấu hình và giá so với 5 năm trước nhưng đã được tích hợp nhiều tính năng mới, coi như là giá trị gia tăng cho chính sản phẩm đó. Còn nói về trượt giá đồng tiền và mức thu nhập tăng của người lao động so với giá máy, coi như laptop bây giờ rẻ hơn trước từ 20 – 30%. Đây chính là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng không phải quá suy tính giá cả khi mua sắm laptop".

Ông Phạm An Dương, hiện đang làm việc tại văn phòng nVidia tại Việt Nam xác nhận: “Nếu xét về giá trị tuyệt đối của số tiền mà khách hàng phải trả khi mua laptop, mua laptop hiện nay có thể cao hơn  5 năm về trước. Nhưng tính theo giá trị thu nhập của người lao động, laptop bây giờ rẻ hơn trước đây khá nhiều. Nói chung, laptop không còn là món đồ quý hiếm nữa mà đã phổ biến lắm rồi, nhiều nhóm người tiêu dùng đã có điều kiện mua sắm laptop. Rẻ là ở chỗ đó”.

Sức mua tăng mạnh

Theo tiết lộ của một hãng sản xuất laptop tại thị trường Việt Nam, cơ cấu doanh thu của các phân khúc giá laptop hiện nay như sau: 8 – 10 triệu đồng khoảng 8%, 10 – 15 triệu đồng là 32,5%, riêng phân khúc giá trên 20 triệu đồng trong tháng 2 với gần 22%, còn tháng 1 chiếm 28%... Nếu không bùng phát dịch hồi đầu năm ngoái, giá laptop sẽ không có biến động, chỉ cao hay thấp phụ thuộc vào cấu hình, thiết kế... của từng dòng máy, thương hiệu. Nhưng vì Covid-19 mà giá laptop đã tăng nhẹ, từ 2 – 5%; trong đó có một vài model đặc biệt tăng mạnh 20 – 30% do thiếu CPU, card đồ họa...

Laptop ngày càng rẻ và “ngon” ảnh 2 Chọn mua laptop tại FPT Shop, một trong những hệ thống bán các thiết bị điện tử lớn hiện nay
Sức mua tăng mạnh, linh kiện vẫn còn thiếu nhiều nên cung vượt cầu, sắp tới nhiều hãng sẽ tăng giá bán. Trao đổi về giá sắp tới, bà Khánh Hà, phụ trách ngành hàng laptop của Asus Việt Nam cho biết: “Asus chỉ tăng 1,5 – 2% trên những dòng laptop có nâng cấp về màn hình. Đây là mức tăng thấp nhất trong mặt bằng giá mới của ngành hàng laptop”.
Việc laptop tăng giá có nhiều lý do: sức mua laptop trên toàn cầu tăng mạnh để học và làm tại nhà, theo quy định của nhiều quốc gia; nhiều nhà máy sản xuất linh kiện hoạt động “chập chờn” dẫn đến nhiều linh kiện chính như CPU, ổ cứng SSD, màn hình, mainboard... thiếu hàng trầm trọng dẫn đến giá thành tăng, như card đồ họa từng bị thổi giá tăng đến 50 – 70%; lưu thông hàng hóa chậm trễ, chi phí bán hàng tăng do thiếu hàng...

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động của FPT Shop cho biết, trong tháng 2 và nửa tháng 3-2021, sức mua laptop bán ra tăng gấp 5 lần so với trước đó. Tốc độ bán nhóm hàng laptop tại Thế giới Di động cũng tăng mạnh trong tháng 2 và 3-2021.

Ông Thanh Phong, Trưởng phòng Truyền thông Thế giới Di động cho biết: “Lượng hàng laptop bán ra trong tháng 2-2021 tăng 50% so với tháng 1. Đặc biệt, có nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, lượng laptop bán ra tăng 300%”. Lý do laptop được mua nhiều là vì dịch bệnh Covid-19 nên nhân viên phải làm việc tại nhà, còn học sinh – sinh viên học tại nhà…

Đầy đủ phân khúc, tha hồ lựa chọn

Tại nhiều kênh bán hàng lớn như Thegioididong, FPT Shop..., Ideapad S145 (có giá bán 9,34 triệu đồng), Acer Aspire 3 A315 (9,99 triệu đồng), Lenovo Ideapad Slim 3 15IIL05 (12,89 triệu đồng), Asus Vivobook A415EA (14 triệu đồng), Macbook Air 2017 (18,99 triệu đồng)... là những dòng laptop đang bán chạy.

Với phân khúc giá 8 – 10 triệu đồng hiện không còn nhiều hàng, chỉ chừng 6 – 8 mẫu với cấu hình thỏa mãn cho nhu cầu làm việc, học tại nhà: ổ cứng SSD 256 – 512GB, 4GB RAM, nặng từ 1,45 – 1,8kg, CPU: Pentium, Celeron và Syren3, có sẵn hệ điều hành Windows 10...

Phân khúc  giá 10 – 15 triệu đồng hiện là phân khúc có nhiều sản phẩm nhất, gần 60 loại sản phẩm, và cũng là phân khúc có tỷ lệ doanh thu cao nhất trong ngành hàng laptop tại thị trường Việt Nam (32,5%). Khi chọn mua hàng ở phân khúc này, cấu hình tối thiểu là core i3, 4GB RAM, ổ cứng SSD từ 256GB – 512GB, card đồ họa rời Radeon RX Graphics Vega 10 hoặc GeForce MX330 2GB...

Phân khúc 15 - 20 triệu đồng đứng hàng thứ hai về doanh thu, sau phân khúc 10 – 15 triệu đồng. Với mức giá này, máy có cấu hình mạnh: core i5, i7 hoặc Ryzen7; 8GB RAM, ổ cứng SSD có dung lượng 512GB, card đồ họa rời GeForce GTX 1650 Ti 4GB, NVIDIA GeForce MX450 2GB hoặc Intel Iris Xe Graphics...

Phân khúc giá từ 20 triệu đồng trở lên tăng mạnh từ tháng 11-2020 đến 2-2021 vì có phần góp sức của nhóm laptop gaming dành để chơi game, đồ họa – thiết kế, học tập... với doanh thu trên 22%, nhưng phân khúc này bán theo mùa.

Tin cùng chuyên mục