Sau Festival “Ký ức cầu Long Biên” năm 2009 gây hụt hẫng cho người xem bởi kiểu “nói vậy mà không phải vậy”, ban tổ chức (BTC) lễ hội cầu Long Biên năm 2010 đã khẳng định sẽ tổ chức một lễ hội với quy mô hoành tráng hơn, tái hiện truyền thống lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội nhiều hơn và sẽ gần gũi người dân hơn. Song một lần nữa người xem lại bức xúc...
Theo BTC, lễ hội cầu Long Biên 2010 sẽ tổ chức dưới dạng lễ hội đường phố, hội tụ các loại hình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sau những màn biểu diễn nghệ thuật có tính sắp đặt của BTC trong lễ khai mạc thì lễ hội trở nên thưa thớt và ngày càng ảm đạm.
Tìm hiểu nguyên nhân khiến người dân thờ ơ với lễ hội cầu Long Biên 2010 là điều không khó bởi lẽ chỉ cần tới đây, nơi được quảng bá là một không gian nghệ thuật, bảo tàng văn hóa mở… sẽ dễ dàng cảm nhận được sự tẻ nhạt và yếu kém trong khâu tổ chức.
Trên cây cầu nối 3 thế kỷ, được bài trí rất sơ sài những bức ảnh được in trên pano, được chằng buộc đơn giản tại đầu cầu phía Hà Nội. Phần chiều dài còn lại kéo dài tới tận đầu kia phía Gia Lâm thì còn giản tiện hơn với việc dựng những khung tranh vẽ thiếu nhi để lấp chỗ trống.
Dù đã rất đơn giản như vậy nhưng chỉ tới chiều ngày 20-11, rất nhiều khung tranh không hiểu do cách trưng bày cẩu thả hay do người xem vô ý mà đã đổ gục xuống hai bên thành cầu khiến cảnh tượng đã vắng vẻ càng thêm nhếch nhác.
Chẳng hiểu ý tưởng sáo diều khiến BTC bị “ám ảnh” đến thế nào mà hàng chục cánh diều treo thẳng đơ trên những chiếc cọc tre của lễ hội cầu Long Biên năm 2009 đã từng bị chê trách dữ dội nay lại tiếp tục được đưa ra trưng bày. Không những cũ về ý tưởng mà còn trở nên phản cảm khi nhiều tấm pa nô, tranh ảnh treo trên cầu không chịu đựng được sức gió đã rách tơi tả.
Điểm nhấn duy nhất khiến người xem cảm thấy dịu lòng là sự xuất hiện của nghệ sĩ đàn violon đường phố Tạ Trí Hải đến từ CLB Ngàn Sao, TPHCM. Suốt từ sáng sớm tới chiều muộn, hình ảnh một ông già với cây vĩ cầm chơi một cách say sưa, không biết mệt mỏi khiến mọi người đều cảm động. Giá như cách thức tổ chức của lễ hội cầu Long Biên thực tế và có thuyết phục hơn thì chắc hẳn, nghệ sĩ Tạ Trí Hải sẽ không phải đơn độc trong lễ hội đường phố này.
Hai ngày hội đã kết thúc và dù không phải lần đầu tổ chức, nhưng rõ ràng Festival cầu Long Biên 2010 lại tiếp tục mắc lỗi trong khâu tổ chức. Người dân lại một lần nữa thất vọng khi đến với lễ hội khi không cảm nhận được sự hoành tráng như BTC đã thông báo, chỉ thấy sự tẻ nhạt mà người ta thường nói là “làm cho có”.
Sẽ không phải quá gay gắt khi có người cho rằng nếu cứ tiếp tục dung dưỡng cách thức tổ chức không tới nơi tới chốn như vậy, không những làm ảnh hưởng tới hình ảnh của cây cầu mà còn khiến người dân sẽ có cái nhìn thiếu tích cực với những chương trình nghệ thuật đường phố.
Vĩnh Xuân