Nhiều năm qua, TPHCM luôn là cái nôi sản sinh ra nhiều vũ đoàn, công ty tư nhân chuyên về múa, đáp ứng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội trên địa bàn TPHCM và các tỉnh thành cả nước.
Có thể thấy, nghệ thuật múa là loại hình giải trí gần như xuất hiện trong hầu hết các chương trình nghệ thuật, từ ca nhạc, lễ hội, đến điện ảnh, sân khấu cải lương, các cuộc thi tài năng nghệ thuật… Đặc biệt, các chương trình chuyên về nghệ thuật múa luôn tạo được dấu ấn, nhiều tác phẩm múa tạo được sức hấp dẫn với khán giả.
Lực lượng diễn viên, biên đạo múa trẻ hiện nay tại TPHCM có số lượng đông đảo, trẻ, năng động và nhiệt huyết với nghề, đã và đang góp phần quảng bá các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải trí của công chúng nhiều lứa tuổi.
Cũng từ hoạt động thực tiễn của các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập là các vũ đoàn, nhóm múa, Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM tiếp tục tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng lần thứ 7 năm 2022 với mong muốn nâng cao hơn tay nghề, mở rộng quan điểm, tư duy, kiến thức và kinh nghiệm làm nghệ thuật cho các biên đạo, diễn viên múa trẻ.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của hơn 150 diễn viên, biên đạo múa đến từ hơn 20 đoàn, vũ đoàn múa công lập và ngoài công lập của TPHCM cùng các đoàn múa đến từ Đồng Nai, Vĩnh Long… Các đơn vị, vũ đoàn, cá nhân sẽ biểu diễn 50 tác phẩm với nhiều loại hình như: múa dân gian, dân gian đương đại, đương đại, ballet…
Hội đồng nghệ thuật của liên hoan lần này có: NSND Hà Thế Dũng, NSND Tô Nguyệt Nga, NGƯT Nguyễn Bá Thái, NSƯT Tạ Thùy Chi và biên đạo múa tài năng Nguyễn Phúc Hùng.
NSND Hà Thế Dũng chia sẻ: “Liên hoan là hoạt động nghề nghiệp mang tính truyền thống, được tổ chức với ý nghĩa là sân chơi nghệ thuật đặc biệt nhằm giúp nâng tầm nghệ thuật múa cho thành phố. Liên hoan khuyến khích các đơn vị tham gia sử dụng âm nhạc Việt Nam, phục trang biểu diễn có thể cách điệu sao cho phù hợp với tác phẩm múa nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt đặc trưng của trang phục các dân tộc…”.