Liên hoan phim quốc tế Việt Nam (LHPQTVN) lần thứ nhất do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Điện ảnh và Công ty BHD phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 17-10 đến 21-10 tại Hà Nội. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lại Văn Sinh (ảnh), Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc LHPQTVN về sự kiện này.
- PV: Công tác chuẩn bị cho LHPQTVN lần thứ nhất đã cơ bản hoàn thành?
Ông LẠI VĂN SINH: Rất nhiều công việc từ tuyển chọn phim, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hoạt động của LHP, mời các ban giám khảo, các ấn phẩm… cho đến nay cơ bản đã hoàn thành. Chúng tôi đang triển khai chi tiết các kịch bản cho từng nội dung: khai mạc, bế mạc, các triển lãm ảnh, các buổi tọa đàm hội thảo, các cuộc giao lưu… để làm sao chu đáo và hiệu quả nhất…
- Có bao nhiêu phim tham gia, thưa ông?
Trong số trên 100 phim gửi đến đăng ký, chúng tôi chọn hơn 60 phim để đưa vào các chương trình của LHP. Chương trình phim dự thi gồm 10 phim truyện của 9 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á là: Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Hồng Công (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam; 12 phim tài liệu và phim ngắn dự thi của 5 nước là Nhật, Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Việt Nam. Chương trình điện ảnh thế giới sẽ giới thiệu đến khán giả 25 bộ phim của 20 quốc gia. Chương trình điện ảnh Việt Nam ngày nay sẽ chiếu những bộ phim tiêu biểu sản xuất trong mấy năm gần đây. Điện ảnh Pháp sẽ giới thiệu 5 bộ phim mới trong Chương trình tiêu điểm (mỗi lần LHP sẽ chọn một quốc gia để giới thiệu trong chương trình này).
Ngoài ra một số hoạt động khác cũng được tổ chức như các hội thảo, tọa đàm chuyên về hoạt động điện ảnh, triển lãm giới thiệu thành tựu điện ảnh Việt Nam, triển lãm ảnh về các LHP quốc tế do ông Kim Dong Ho, Giám đốc LHP quốc tế Busan chụp và sưu tầm. Đặc biệt có triển lãm tôn vinh đạo diễn - NSND Hồng Sến, một trong những gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam.
- Còn thành phần các ban giám khảo trong LHP lần này?
Đạo diễn Phillip Noyce là Chủ tịch Ban giám khảo phim truyện. Các thành viên còn lại đều là những người nổi tiếng như: Marco Muller, Giám đốc LHP Venice; nhà quay phim người Pháp Francois Cantonne; nữ diễn viên Hàn Quốc Kang Soo Youn và đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh của Việt Nam. Ban giám khảo phim ngắn và phim tài liệu gồm ông Johany, Giám đốc LHP ngắn Phần Lan; nhà quay phim người Pháp Matthieu Poirot - Del Pech và đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc. Ban giám khảo Netpac gồm bà Aruna Vasudev người Ấn Độ - Chủ tịch Tổ chức Netpac làm Chủ tịch và hai thành viên là ông Doy Del Mundo nhà biên kịch người Philippines và nhà lý luận phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan. Việc mời ban giám khảo rất quan trọng đối với một LHP, hầu hết các thành viên của các ban giám khảo lần này đều rất bận, nhưng khi biết đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức LHP quốc tế, tất cả đều vui vẻ nhận lời tham dự. Đây có thể coi là một thành công ban đầu của công tác tổ chức.
- Tiêu chí nào để Cục Điện ảnh chọn hai phim Long Thành cầm giả ca và Trung úy tham gia LHPQT VN?
Phim Việt Nam dự thi cũng phải theo tiêu chí chung của LHP. Đây là một cuộc thi công bằng và bình đẳng. Hai bộ phim Long Thành cầm giả ca và Trung úy được lựa chọn vì đáp ứng các tiêu chí đã được ghi trong điều lệ LHP. Theo cá nhân tôi, Long Thành cầm giả ca đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn và mang thông điệp chung của nhân loại chứ không phải chỉ riêng Việt Nam, còn Trung úy là một phim có cách khai thác không giống với những phim khác về đề tài chiến tranh.
- Theo ông, điện ảnh Việt Nam và những người hoạt động trong ngành điện ảnh thu nhận được gì sau LHP này?
LHP quốc tế là một cơ hội rất tốt trong việc mở rộng giao lưu, quảng bá không chỉ điện ảnh mà cả hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới coi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh. Chúng tôi cho rằng ở Việt Nam cũng vậy. Điện ảnh bản thân nó đã có nhu cầu quảng bá, giao tiếp rộng rãi. Và hơn thế, LHP quốc tế chính là điều kiện rất thuận lợi cho việc hội nhập với thế giới.
- Xin cảm ơn ông.
Như Hoa (thực hiện)