
Đến hẹn lại lên, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 17 lại tái ngộ khán giả cả nước. Tuy nhiên, không ai thử làm một cuộc khảo sát xem có bao nhiêu người quan tâm đến hoạt động này, cả trong lẫn ngoài giới? Nếu có, chắc có thể sẽ bẽ bàng cho một bộ môn nghệ thuật được nhiều người quan tâm. Thực chất, đã có nhiều người đặt vấn đề: LHP Việt Nam là cuộc chơi dành cho ai?
- Có là ngày hội?
Không thể nêu thẳng tên, song chắc hẳn những người làm trong ban tổ chức của các kỳ LHP đều đã từng nhận những lời từ chối của không ít nghệ sĩ khi được mời làm ban giám khảo của LHP. Lý do để họ - những nghệ sĩ tên tuổi - phải từ chối cái công việc được xem là niềm vinh dự của một người làm nghề, đó là vì họ không thể làm trái với lương tâm khi phải chấm giải (cho giải) cho những tác phẩm không hề xứng đáng.

Diễn viên Lan Phương với khán giả hâm mộ.
Cũng có những nghệ sĩ, khi được thông báo đoạt giải cao đã tìm cách lảng tránh xuất hiện tại buổi lễ trao giải với lý do đang bận quay phim ở nơi này, nơi khác. Vì không muốn nghe xì xầm về giải thưởng không xứng đáng, vì lòng tự trọng khi thấy tác phẩm của mình cũng không thực sự xứng đáng hay vì lý do nào đó mà chỉ có người trong cuộc mới có thể trả lời.
Và cũng có những nghệ sĩ, khi được hỏi về tác phẩm của mình dự thi đã trả lời: Không quan tâm! Bởi lẽ phim là do đơn vị chủ quản gửi đi, bởi giải thưởng không mang giá trị đích thực, bởi biết trước phim sẽ có hay không có giải…
Và hãy xem nghệ sĩ được tôn vinh như thế nào trong ngày hội của mình? Tại ngày hội (khai mạc, bế mạc) LHP ấy, người ta thấy đa phần là sự xuất hiện của các chân dài xuất thân từ sàn catwalk. Phải chăng vì ở Việt Nam, đa phần người mẫu đã lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh? Những chân dài bước đi trên thảm đỏ che lấp hết những người làm nghề đích thực: diễn viên, đạo diễn, quay phim… Rồi cũng chính những chân dài ấy xuất hiện đầy hài hước bên cạnh những nghệ sĩ điện ảnh với chiều cao khiêm tốn, được mời lên đọc giải thưởng, để lộ hàng loạt sai sót không đáng có…
- Những cơn mưa giải thưởng
Mệt mỏi nhất khi tham dự LHP là lắng nghe phần công bố giải thưởng. Danh sách các giải thưởng dài đến mức hầu như chiếm hết toàn bộ thời lượng chương trình (vốn có hạn vì truyền hình trực tiếp). Nhiều kỳ LHP, có cảm giác giải thưởng được ban phát hết sức rộng rãi. Đã tham gia thì hầu như là có giải, không giải lớn thì giải nhỏ, bét nhất cũng có bằng khen mang về (không cho giải làm sao lần sau có thể vận động để tiếp tục tham gia?).
Dường như đã phải có một người làm công việc nghĩ ra giải thưởng để trao cho tác phẩm dự thi. Thiếu gì giải để trao: phim, đạo diễn, diễn viên (chính - phụ), quay phim, biên kịch, âm thanh, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật… Mỗi giải thưởng gồm nhiều giải: vàng, bạc, đồng, bằng khen. Điều đáng nói là nếu những giải như biên kịch, đạo diễn, diễn viên khá rõ ràng, cụ thể, dễ nhận thấy, thì những giải như âm thanh, thiết kế mỹ thuật lại khá mơ hồ.
Mơ hồ nhất là vì khi giải được trao, khán giả chưa kịp hình dung tác phẩm đó như thế nào để được trao giải. Và vì thời lượng có hạn, giải chỉ là giải phụ nên những hiệu ứng đó cũng ít được trình bày để khán giả có thể tâm phục, khẩu phục. Và đó chính là lý do, những cơn mưa giải thưởng ào ào mà LHP nào cũng có.
“Nể” nhất trong phần giải thưởng đó là những tác phẩm không xứng đáng mà vẫn nghiễm nhiên đoạt giải. Người viết nhớ có lần, trước một giải thưởng điện ảnh lớn, một tờ báo đã làm công việc “cầm đèn chạy trước ô tô” khi trao giải giống như giải “mâm xôi” cho những tác phẩm điện ảnh dở nhất. Bất ngờ là sau đó, tại giải thưởng chính thức, “mâm xôi” đã dành luôn giải bạc, và một số “mâm xôi” khác cũng đoạt thêm nhiều giải khác.
Trước thềm LHP, nói những điều đáng buồn xem ra sẽ khiến không ít người làm công tác tổ chức LHP phiền lòng. Song hy vọng điều này biết đâu lại chẳng là động lực để nhà tổ chức tạo nên một kỳ LHP hoàn toàn bất ngờ từ khâu tổ chức đến chất lượng thực sự của LHP. Đừng để ý nghĩ “LHP thực chất là cuộc chơi của một số người” tiếp tục tồn tại.
HÀ GIANG
LHP lần nào cũng có những cuộc giao lưu. Giao lưu giữa nghệ sĩ với khán giả, giao lưu giữa những nhà làm phim để nói chuyện về nghề… Mấy năm gần đây, các cuộc giao lưu còn mở rộng với tầm vóc quốc tế như giao lưu học hỏi kinh nghiệm làm phim quốc tế. Từng chứng kiến các cuộc giao lưu tại LHP, nên chúng tôi có thể kết luận, đó hầu hết là những cuộc giao lưu nhàm chán và không ít cuộc giao lưu còn đầy tính bôi bác. Có cuộc giao lưu biến thành dịp để nhà sản xuất phim tranh thủ chỉ trích, lên án báo chí vì đã chê bai phim của họ. Cũng có cuộc giao lưu chiếu phim quốc tế với số lượng khán giả còn ít hơn thành phần đoàn phim. Sau khi kết thúc phim, không có bất cứ một câu hỏi nào dành cho đoàn làm phim, khiến họ lủi thủi ra về. Còn có rất nhiều những cuộc giao lưu chẳng đọng chút nào trong tâm trí người dự.