
Nói đến bộ đội biên phòng, người ta thường nghe những chiến công bảo vệ tổ quốc, nhưng nay, ở thời “kỹ thuật số”, người lính gác cảng biển còn làm nên những điều kỳ diệu khác. Đó là chuyện xây dựng thành công hệ thống mạng làm lợi cho khách hàng và nâng cao vị thế quốc gia ở cảng TPHCM…
- Ý tưởng lớn gặp nhau

Kiểm tra hồ sơ khai báo nhập cảng qua mạng.
Nhiều tàu hàng của các quốc gia lớn rất ngán ngẩm mỗi khi nhẩm tính, để cập cảng vào Việt Nam phải qua hơn 260 loại giấy tờ. Nào là thủ tục hải quan, biên phòng, kiểm soát… Tính riêng thủ tục biên phòng thôi cũng đã hơn 20 loại giấy.
“Khách hàng chán ngán đã đành, chúng tôi làm việc cũng thấy “quê” với cách làm thủ công, lạc hậu của mình, nhất là khi bị những người khách nước ngoài phản đối” - thiếu tá Lê Xuân Minh, Trưởng trạm Khánh Hội tâm sự.
Ở những nước tiên tiến, chủ tàu chỉ cần dùng thẻ có mã vạch quét một cái là xong, còn ở mình thì cứ… xếp hàng dài đi làm thủ tục. Nghĩ mà tự ái, ở một thành phố đi đầu về khoa học công nghệ của cả nước mà vẫn cứ ì ạch mãi được sao - những ý nghĩ đó cứ lẩn quẩn trong đầu người lính trẻ Trần Trọng Mỹ. Nhưng làm gì khi trang thiết bị lạc hậu, kinh phí không có?
Vậy là anh quyết định gom góp từng đồng lương ít ỏi của mình để dành đóng học phí. Sau mỗi ngày làm việc, anh “lén” mọi người đi học thêm tin học, hy vọng cải tiến được chút gì đó trong công việc. Vài năm miệt mài đèn sách, có được một chút kiến thức “lận lưng”, anh bày tỏ ý tưởng xây dựng hệ thống mạng ứng dụng trong khai báo thủ tục xuất nhập cảng với thủ trưởng.
Ai ngờ, “ý tưởng lớn gặp nhau”, cả thủ trưởng và tập thể đồng đội đều nhiệt tình hưởng ứng. Cả nhóm 5 người thi nhau học thêm tin học vào ban đêm. Những kiến thức thu nhặt được cộng với những ý tưởng nung nấu từ công việc thực tế, các anh đã cùng nhau viết chương trình phần mềm ứng dụng. Giống như một trận đánh, các anh tự tìm ra “vũ khí”, vạch ra “phương án tác chiến” và vận dụng cả tinh thần đồng đội để phối hợp nhịp nhàng ăn ý.
Và rồi tác phẩm tập thể ấy đã chào đời - quy trình, thủ tục được rút ngắn. Khách hàng ở bất cứ nơi đâu cũng có thể khai báo thông tin qua mạng, có nghĩa là “Chúng tôi đã chiến thắng! Và khách hàng là người được hưởng lợi…”- Trung tá Trần Văn Thới, Đội trưởng đội thủ tục biên phòng Cảng TPHCM không giấu niềm tự hào. Anh tiếp: “Cứ làm theo lối cũ cũng chẳng sao, nhưng mà thấy buồn lắm. TP ngày càng hiện đại, chẳng lẽ những người lính chúng tôi lại đứng ngoài cuộc…”.
- Thời gian làm thủ tục = 0
Trước đây, các công ty, doanh nghiệp và đại lý phải đợi tàu cập cảng rồi mang từng xấp giấy tờ đi làm thủ tục. Đối với những tàu cập xa cảng, việc đi lại tốn vài tiếng đồng hồ, còn tàu nhỏ cập gần thì ít nhất cũng 2 giờ mới hoàn thành thủ tục.
Theo quy định của Chính phủ, khi nào chưa hoàn thành thủ tục, người trên tàu không được xuống đất liền, cũng không được bốc xếp hàng hóa. Trong thời gian chờ làm thủ tục, các tàu phải chịu tiền bến cảng. Thủ tục càng chậm, các chủ tàu, chủ hàng càng bị… cháy túi.
Nay với hệ thống mạng, trước khi cập cảng, các chủ tàu đã khai báo thủ tục, gởi thư đến cảng trước. Khi xét thấy hồ sơ đã đủ, cán bộ sẽ xác nhận đã hoàn thành khai báo thủ tục rồi gởi lại cho khách hàng. Với giấy xác nhận này, khi tàu thuyền cập bến sẽ được phép giao dịch hàng ngay, chủ tàu hàng chỉ việc cầm tất cả các giấy tờ đã khai đến trình báo là được chính thức tiếp nhận.
Đối với tàu khách, cán bộ đón từ km số 0 ở Vũng Tàu để theo vào TPHCM và trên đường đi là đã hoàn tất thủ tục, đóng dấu hộ chiếu cho khách để đến cảng là có ngay thẻ đi bờ, không phải mất công chờ đợi. Trước đây, mỗi chuyến tàu phải mất 2- 3 giờ làm thủ tục thì nay thời gian ấy chỉ còn là “0”. Nói như đại lý viên Vũ Thái, công ty hàng hải Việt Long thì: “Không còn gì tiện ích bằng khi được khai báo thủ tục qua thư điện tử. Trước đây, phải khai báo đến hơn 20 loại giấy tờ thì nay nhờ ứng dụng công nghệ thông tin đã tinh giản chỉ còn 8- 9 loại giấy”.
Cái được không chỉ là nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt người nước ngoài, tạo niềm tin ở nền hành chính công khai trong sáng cho tất cả khách hàng hoạt động kinh doanh qua cảng mà còn là lợi ích kinh tế. Cứ tính bình quân mỗi tàu (trọng tải trên 10.000 tấn) tiền neo đậu là 10.000– 12.000 USD/ngày, tức 500 USD/giờ thì khi một tàu tiết kiệm được 3 giờ làm thủ tục đã làm lợi 1.500 USD. Trung bình mỗi ngày có 30 tàu cập cảng sẽ lợi đến 45.000 USD và cứ thế mỗi tháng lợi 135.000 USD…
Tính đến nay, chỉ sau 2 tháng triển khai “Chương trình khai báo thủ tục biên phòng qua mạng điện tử” đã có 27 công ty, doanh nghiệp và 225 đại lý tham gia chương trình. Thế nhưng, Trung tá Thới vẫn chưa hài lòng. Vì theo anh, công nghệ thông tin phải là chương trình áp dụng thông suốt, nhưng với phần mềm hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Anh tâm tư: Con người có, khả năng đủ để xây dựng hệ thống mạng LAN nhưng vấn đề kinh phí đã “bó tay” chúng tôi. Nếu có tiền nối cáp, hệ thống cảng sẽ liên thông và kiểm tra, cập nhật số liệu kịp thời hơn và đặc biệt, khách hàng sẽ được giao dịch hoàn toàn qua mạng. Khi ấy, khách hàng sẽ được lợi nhiều hơn.
HÀN NI