Lỗ hổng trong cấp giấy chứng nhận tâm thần

Bên cạnh những người mắc chứng tâm thần thực sự cần được chữa trị, một số kẻ đã “lách luật” bằng căn bệnh này, với việc “phát điên” sau khi gây án. Đã có nhiều vụ án nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận nhưng lại bị bỏ ngỏ hoặc đóng hồ sơ với lý do đối tượng thủ ác “bỗng dưng” mắc bệnh tâm thần. 
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM, đang giám định cho một đối tượng
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM, đang giám định cho một đối tượng
“Kim bài miễn tử”

Theo số liệu của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM (Bộ Y tế), mỗi tháng trung tâm giám định từ 10 - 15 trường hợp, trong đó có 6 - 7 ca phục vụ lĩnh vực hình sự. Theo Th.S bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc trung tâm, thực tế trong nhiều vụ án nghiêm trọng, tờ giấy chứng nhận tâm thần được xem như “kim bài miễn tử”, nên nhiều tên tội phạm đã làm đủ mọi cách để có được và thủ sẵn “bảo bối” này trong người ngay cả trước khi gây án. 

Ngoài việc giả tâm thần, làm giấy tờ giả, nhiều người còn lấy hồ sơ bệnh án của người bị tâm thần thật rồi thay hình, sửa tên, địa chỉ, làm thành bộ hồ sơ giả hoàn hảo để chạy tội cho mình. Vừa qua, trung tâm đã tiến hành giám định một trường hợp lợi dụng hồ sơ tâm thần của người khác để chạy tội. “Tên này là đối tượng nguy hiểm, từng có nhiều tiền án, tiền sự liên quan đến cho vay tiền, thế chấp. Chúng tôi phải mời người thật theo hồ sơ đến giám định có bệnh hay không, còn người phạm tội thì sẽ giao cho công an xử lý theo quy định của pháp luật”, bác sĩ Quang thông tin.

Trước đó, vào cuối tháng 7, kết quả phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án tiêm máu nhiễm HIV vào người cháu bé 2 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu khiến nhiều người phẫn nộ, khi đối tượng Đào Thị Thu Thảo (36 tuổi, nguyên Giám đốc chi nhánh miền Bắc Công ty Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ mưu thuê người tiêm máu có HIV vào con của tình địch) thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần. Trong khi đó, 2 bị cáo được Thảo thuê để hành sự thì khẳng định người phụ nữ này hoàn toàn bình thường, tỉnh táo lúc thuê và giao nhiệm vụ cho họ làm. Và còn rất nhiều đối tượng hình sự thoát án nhờ có giấy xác nhận tâm thần mà báo chí đã đăng tải trong thời gian qua. 

Câu hỏi được đặt ra là có hay không lỗ hổng trong công tác giám định tâm thần, dẫn đến nhiều bị can, bị cáo được thoát khỏi vòng lao lý một cách trắng trợn?

Đối phó cơ quan pháp luật

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, thực chất vẫn còn tồn tại những lỗ hổng trong công tác giám định và vô tình gây nhập nhằng trong việc xét xử, luận tội phạm nhân. Kiến thức chuyên môn của giám định viên cũng là một trong những hạn chế, trong khi tình hình tội phạm ngày càng khôn ngoan, xảo quyệt. Hơn nữa, trong lĩnh vực giám định tâm thần, nếu các bác sĩ theo dõi và giám định không có tâm, bị chi phối bởi đồng tiền, rất có thể sẽ dẫn đến việc tiêu cực trong việc kết luận giám định. Quá trình theo dõi, giám định phải tuân thủ quy trình theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Yếu tố kỹ thuật như thực hiện cộng hưởng từ, điện não đồ... chỉ có tác dụng hỗ trợ, còn quan trọng nhất là việc theo dõi lâm sàng các đối tượng, cộng thêm nghiên cứu hồ sơ về đối tượng từ trước đến nay. Thế nhưng, vấn đề trách nhiệm liên đới giữa 3 ngành LĐTB-XH, y tế và công an đối với người bệnh tâm thần gây án hiện còn bỏ ngỏ. 

“Hiện tại, Bộ Y tế chỉ làm công tác giám định xác minh bệnh nhân đó bị bệnh tâm thần. Bộ LĐTB-XH thì dựa vào kết quả đó để thực hiện trợ cấp xã hội. Bộ Công an dựa vào tờ giấy chứng nhận để không điều tra, khởi tố... Điều đó vô tình tạo tâm lý cho nhiều người rằng giấy chứng nhận tâm thần là bảo bối; tạo điều kiện cho những kẻ đứng đằng sau giật dây người bị bệnh tâm thần để gây án”, bác sĩ Quang thông tin.

 Theo luật sư Phạm Văn Hiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư H2 TPHCM, khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định nếu đúng tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, những người phạm tội là người không có năng lực hành vi dân sự (tức là bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh nào đó gây hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự) thì họ không phải chịu trách nhiệm về hình sự. Lợi dụng quy định này, nhiều người đã dùng bệnh án tâm thần để đối phó với các cơ quan pháp luật. 

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Phạm Văn Hiệp, Điều 382 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với những người làm công tác giám định tâm thần, nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 

Bên cạnh đó, Luật Giám định tư pháp đã quy định rõ những đơn vị, cơ quan nào được phép cấp giấy chứng nhận tâm thần. Thế nhưng vẫn có nhiều nơi cấp giấy tùy tiện, để xảy ra nhiều vấn đề hệ lụy.

Tin cùng chuyên mục