Loại khỏi quy hoạch 4 dự án thuỷ điện, không xem xét bổ sung 11 dự án

 Báo cáo số 436/BC-CP của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Nhà máy thủy điện xả lũ trong mùa mưa bão
Nhà máy thủy điện xả lũ trong mùa mưa bão

Theo báo cáo, Chính phủ cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp tục phối hợp với các tỉnh xem xét để loại khỏi quy hoạch 4 dự án thuỷ điện (DATĐ) tại các tỉnh Quảng Nam và Gia Lai; không xem xét bổ sung quy hoạch đối với 11 dự án thủy điện theo đề nghị của các tỉnh Đồng Nai, Hòa Bình và Lai Châu do không khả thi về kinh tế - kỹ thuật, có ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và môi trường - xã hội.

“Hiện nay UBND các tỉnh vẫn tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn quản lý để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án đã quá hạn theo hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện. Các dự án thuộc danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 và đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư giai đoạn sau năm 2020 vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu đầu tư để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch”, Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công Thường thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký nêu rõ.

Đối với các DATĐ Đại Nga và Đại Bình thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị chỉ đạo tạm dừng thi công đối với DATĐ Đại Bình và tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng của chủ đầu tư các dự án nêu trên.

Đáng lưu ý, sự cố lũ cuốn trôi cửa van số 2 của hầm dẫn dòng thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 tại tỉnh Quảng Nam được nhận định là “sự cố công trình nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát điện của công trình và cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình”, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai thực hiện việc giám định nguyên nhân sự cố, chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 Liên quan đến công tác an toàn đập, hồ chứa và an toàn vận hành các công trình thủy điện, báo cáo nêu trên cho biết, tính đến tháng 9 năm 2017, nhìn chung, các NMTĐ đã cơ bản đã tuân thủ quy định của pháp luật đối với việc đăng ký an toàn đập, báo cáo hiện trạng an toàn đập, kiểm định đập, kiểm tra, duy tu đập và thiết bị vận hành đập theo đúng quy định. Hầu hết các hồ chứa thủy điện đã vận hành hoặc chuẩn bị đưa vào vận hành đều có quy trình vận hành (QTVH) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn một số tồn tại trong QTVH và thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện quy định thời gian thông báo trước khi xả lũ chưa phù hợp (trước quá dài sẽ không chính xác, gây hoang mang, mất niềm tin và tốn kém cho nhân dân vùng hạ du nếu lũ không xảy ra như dự báo; ngược lại, nếu quá ngắn sẽ mất an toàn cho vùng hạ du). Công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực với ứng xử với lũ, lụt còn nhiều bất cập. Số liệu dự báo của các Đài khí tượng thủy văn khu vực và địa phương còn chưa kịp thời hoặc độ chính xác chưa đảm bảo nên việc chỉ đạo,vận hành xả lũ và chủ động chống lũ cho hạ du còn hạn chế.

Đáng lưu ý, một số nhà máy còn có thời điểm chưa tuân thủ đúng các quy định vận hành (xả lưu lượng tối thiểu cho hạ du; thực hiện việc thông tin, thông báo; lắp đặt hệ thống thông báo, cảnh báo xả lũ, xả nước phát điện, lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng,...) như thuỷ điện Hố Hô, Vĩnh Sơn 5, Nà Loà, Bắc Khê 1, Đak Mi 4...

Về trồng rừng thay thế, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm tháng 8 năm 2017, tổng diện tích phải trồng bù rừng là 21.621 ha; diện tích đã thực hiện là 21.404 ha, đạt 99% so với diện tích phải trồng. Mặc dù tỷ lệ trồng rừng đạt 99%, song không đồng đều giữa các địa phương. Một số địa phương trồng vượt chỉ tiêu như: Lai Châu (5.339 ha/2.427 ha); Thanh Hóa (1.650 ha/1.464 ha); Nghệ An (2.136/2.124 ha), một số đơn vị diện tích chuyển đổi lớn nhưng kết quả trồng thấp như: Lâm Đồng (1.581 ha/2.980 ha); Sơn La (940 ha/1.808 ha); Thừa Thiên Huế (307 ha/1.008 ha); Bình Thuận (16 ha/247 ha…

Nhiều hạn chế trong sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất 

Trong khi việc giảm diện tích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép, diện tích đất trồng lúa hiện tại tăng so với năm 2015 thì diện tích đất rừng phòng hộ giảm, rừng đặc dụng cũng thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao.   
Loại khỏi quy hoạch 4 dự án thuỷ điện, không xem xét bổ sung 11 dự án ảnh 1 Đất rừng sản xuất năm 2016 thấp hơn 592.220 ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt

Theo báo cáo số 483BC-CP ngày 20-10-2017 do Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình Quốc hội, đến 31-12-2016 nhóm đất nông nghiệp của cả nước là 27.220,04 ha, cao hơn 386,21 ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (26.833.83 ha). Trong đó đất trồng lúa có 4.110,59 ha, cao hơn 140.170 ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt và tăng 79.840 ha so với năm 2015. Như vậy, việc giảm diện tích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, diện tích đất rừng phòng hộ năm 2016 có 5.173,03 ha, thấp hơn 265,47 ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (5.438,50 ha); giảm 622,44  ha so với năm 2010.

Đáng lưu ý, đất rừng đặc dụng năm 2016 có 2.196,43 ha, thấp hơn 43,770 ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (2.240,20 ha). Việc sử dụng đất rừng đặc dụng vẫn còn một số tồn tại như: hiện tượng xâm lấn ranh giới giữa các khu rừng đặc dụng với vùng đệm. Tại những nơi dân còn sống trong rừng hay nương rẫy của họ còn ở bên trong khu rừng đặc dụng, nên thường xảy ra xâm phạm ranh giới để khai thác tài nguyên rừng, chặt phá rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp.

Đất rừng sản xuất năm 2016 cũng thấp hơn 592.220 ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (8.131,55 ngàn ha) và việc quản lý sử dụng cũng còn một số tồn tại, bất cập. Hồ sơ giao đất, giao rừng ở một số địa phương thiếu nhất quán; việc quản lý đất rừng không chặt chẽ, đồng bộ; tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp không theo quy hoạch vẫn còn diễn ra, đặc biệt ở các địa phương có dân di cư tự do đến. Các lâm trường quốc doanh trước đây sau khi sắp xếp lại và chuyển thành công ty chưa có cơ chế tổ chức quản lý phù hợp, chưa đủ sức bảo vệ diện tích rừng được giao. Việc khai thác rừng mới chỉ chú ý ở các lâm trường, doanh nghiệp nhà nước mà chưa chú ý coi trọng đối với người dân nên đã nảy sinh mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân với các lâm trường, doanh nghiệp nhà nước.

Ở chiều ngược lại, diện tích đất nuôi trồng thủy sản tăng mạnh trong những năm qua. Song việc tăng đất nuôi trồng thủy sản từ việc chuyển diện tích trong nhóm đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nước mặn ở một số địa phương chưa tính toán đầy đủ đến lợi ích chung toàn vùng nên đã có những ảnh hưởng không tốt đến ngành trồng trọt, nhất là trồng lúa; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế.

Tin cùng chuyên mục