Loạn... khám chữa bệnh tư nhân

Cả nước có tới hàng chục ngàn cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện, thẩm mỹ viện tư nhân, mỗi năm thu hút cả triệu lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên sau vụ việc gây phẫn nộ ở Thẩm mỹ viện Cát Tường và trước đó là một loạt những sai phạm nghiêm trọng của nhiều cơ sở y tế tư nhân đã khiến cho người dân không khỏi hoang mang lo ngại trước hoạt động bát nháo của hệ thống khám chữa bệnh này cũng như sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý.
Loạn... khám chữa bệnh tư nhân

Cả nước có tới hàng chục ngàn cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện, thẩm mỹ viện tư nhân, mỗi năm thu hút cả triệu lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên sau vụ việc gây phẫn nộ ở Thẩm mỹ viện Cát Tường và trước đó là một loạt những sai phạm nghiêm trọng của nhiều cơ sở y tế tư nhân đã khiến cho người dân không khỏi hoang mang lo ngại trước hoạt động bát nháo của hệ thống khám chữa bệnh này cũng như sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý.

        Làm tiền trên tính mạng người bệnh

Bùng phát tràn lan, hoạt động chui, vượt quá chức năng được phép, quảng cáo “nổ” tung trời, bệnh nhẹ thành bệnh nặng, bán thuốc không nguồn gốc với giá cắt cổ, loạn chi phí chữa trị… Đây là thực trạng hoạt động đáng lo ngại của không ít phòng khám tư nhân trên địa bàn Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước.

Ngồi thẫn thờ bên gói thuốc không hề có nhãn mác, với một xấp đơn thuốc và phiếu thu tiền lên tới hơn 5 triệu đồng, anh Nguyễn Đăng Hùng (ở Phủ Lý, Hà Nam) là bệnh nhân của Phòng khám Đa khoa H.V trên đường Giải Phóng (Hà Nội) không khỏi bức xúc cho biết: “Sau khi được một số người mách bảo và quảng cáo của phòng khám này có kỹ thuật cao điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp sóng cao tần, tôi đã quyết định tới đây phẫu thuật vì vào bệnh viện thì đông quá. Thế nhưng đã gần nửa tháng trôi qua, mất mấy lần đi lại, tiền phẫu thuật, thuốc men lên tới hơn 30 triệu đồng vậy mà bệnh tình vẫn không chữa khỏi, vết mổ vẫn sưng đau và rỉ máu. Mỗi lần lên đây khám lại là rất tốn kém, nhưng mấy bác sĩ ở đây vẫn thản nhiên cho biết bệnh của tôi đang tiến triển tốt và chỉ cần dùng thuốc thêm ít bữa nữa”.

Cũng tại khu vực phố Giải Phóng, chị Bùi Thị Hà (ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa) là một bệnh nhân của Phòng khám Y.K. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hằng nói: “Tôi bị viêm xoang. Nghe thông tin quảng cáo ở phòng khám này có mấy giáo sư của Bệnh viện Bạch Mai chữa bệnh giỏi lắm nên chẳng ngại tốn kém, lặn lội từ dưới quê lên đây khám. Thế nhưng, đi lại năm bảy lượt rồi mà bệnh vẫn chưa đỡ được là bao. Chỉ riêng lần đầu tiên tới khám và mua thuốc cũng đã mất đứt hơn 2 triệu đồng. Về nhà uống thuốc mất 10 ngày, sau đó đi khám lại thì bác sĩ ở đây lại yêu cầu phẫu thuật vì trong mũi có políp (một khối u nhỏ) nên dùng thuốc không chữa khỏi được. Lại mất thêm 3 triệu đồng nữa để bác sĩ làm thủ thuật cắt políp và mua thuốc kháng sinh, nhưng cả tuần trôi qua rồi bệnh cũng chỉ thuyên giảm chút ít. Không hiểu ở phòng khám này, người ta dùng loại thuốc gì mà đều không có nhãn mác, phải chăng thuốc kém chất lượng nên chữa mãi không khỏi?”, chị Hà băn khoăn.

        Bệnh nhân - nạn nhân

Thực tế những trường hợp trên chỉ là rất ít trong số hàng ngàn bệnh nhân và cũng là nạn nhân của rất nhiều phòng khám, thẩm mỹ, bệnh viện tư đang hoạt động rất lộn xộn, bát nháo tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại Hà Nội, lâu nay nhiều đường phố xung quanh các bệnh viện công lập có uy tín như Bạch Mai, Viện Quân y 103, Mắt Trung ương, Nhi Trung ương… đã hình thành một hệ thống “ăn theo” gồm các phòng khám chữa bệnh, nhà thuốc của tư nhân nhằm tạo dựng sự tin tưởng của người bệnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trên đoạn đường ngắn của phố Giải Phóng đối diện với cổng Bệnh viện Bạch Mai đã có không dưới 50 cơ sở khám chữa bệnh của tư nhân. Còn tại khu vực đầu đường 70 gần cổng Viện Quân y 103 cũng có tới hơn 20 phòng khám đa khoa và nhà thuốc của tư nhân.

Tuy nhiên theo tìm hiểu, hầu hết các phòng khám tư, nhà thuốc tư xung quanh các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM đều có tình trạng mượn danh, mượn uy tín của bệnh viện và tên tuổi bác sĩ trong bệnh viện nhằm lôi kéo người bệnh tới chữa trị. Trong bệnh viện có bác sĩ, chuyên khoa nào có tiếng tăm thì nhiều phòng khám tư nhân ngoài cổng bệnh viện cũng trưng biển có y như vậy. Nguy hiểm hơn, nhiều phòng khám còn thường xuyên sử dụng chiêu thức phát tờ rơi, quảng cáo liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng với nội dung: Có đội ngũ GS, BS giỏi, trang thiết bị hiện đại, phương pháp tiên tiến có thể chữa được nhiều bệnh phức tạp, nan y… nhằm lừa bịp và chặt chém người bệnh không thương tiếc. Khi quảng cáo trái phép được “tung hô” nhiều lần mà không bị Nhà nước xử lý thì người dân dễ tin tưởng nghe theo.

Bùng phát các phòng khám tư nhân ở Hà Nội. Ảnh: Lã Anh

Bùng phát các phòng khám tư nhân ở Hà Nội. Ảnh: Lã Anh

        Quá nhiều bất cập

Mới đây nhất vụ trọng án kinh hoàng xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai, còn trước đó là vụ chết người tại Phòng khám Maria và nhiều vụ việc bức xúc khác đã cho thấy những mặt trái vô cùng nguy hại của không ít phòng khám, thẩm mỹ viện và bệnh viện ngoài công lập. Theo thống kê, cả nước có tới 65.000 cơ sở y dược tư nhân, đa số tập trung ở thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Tại Hà Nội, có khoảng 2.500 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó có 28 bệnh viện, 185 phòng khám đa khoa, 1.352 phòng chuyên khoa, trên 700 cơ sở y học cổ truyền… mỗi năm thu hút khoảng 1 triệu lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh.

Trước thực trạng nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân bùng phát tràn lan, hoạt động lộn xộn, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, số phòng khám vi phạm các quy định về hành nghề y tế tư nhân là rất nghiêm trọng. Phổ biến nhất là phòng khám quảng cáo “nổ” lung tung, hành nghề quá phạm vi cho phép, giá dịch vụ cắt cổ và bán thuốc không đơn, không rõ nguồn gốc, giá khám bệnh thu cao hơn giá niêm yết… “Trong thời gian qua, ngành y tế Hà Nội cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vi phạm, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân và cộng đồng...”, ông Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận, hoạt động quản lý hành nghề y tế tư nhân của cơ quan y tế và chính quyền địa phương còn hạn chế và bất cập. Điều này, thể hiện ở tình trạng nhiều cơ sở y tế tư nhân vi phạm về phạm vi hành nghề, về quy chế chuyên môn, lạm dụng xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng điều trị, sử dụng người nước ngoài làm công việc chuyên môn nhưng không xin phép cơ quan chức năng. Những vi phạm trên đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh, đang là mối lo ngại và bức xúc cho toàn xã hội.

Vụ bác sĩ thẩm mỹ viện phi tang xác khách hàng: Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan

Chiều 28-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế tư nhân, nhất là sau khi xảy ra vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, sau đó phi tang khách hàng xuống sông Hồng.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã thẳng thắn nhận một phần trách nhiệm của thành phố đối với vụ việc gây phẫn nộ dư luận trên. Thành phố Hà Nội đang yêu cầu các đơn vị có liên quan (Sở Y tế Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng) tập trung kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và đơn vị có liên quan để có biện pháp xử lý. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế quyết định thành lập 5 đoàn công tác do các thứ trưởng dẫn đầu tập trung thanh tra, chấn chỉnh công tác hành nghề y dược tư nhân trong cả nước.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội tập trung làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và biện pháp xử lý nhằm không để xảy ra sự việc đáng tiếc. Về phía Bộ Y tế, cần rà soát những quy định hiện hành để quản lý chặt hoạt động của các cơ sở y dược tư nhân. Có những quy định trong việc yêu cầu các bác sĩ làm tại các bệnh viện công khi tham gia làm cho y tế tư nhân phải báo cáo đầy đủ và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời các bệnh viện công có bác sĩ làm tư kiểm tra, giám sát nhân viên của mình.

NGUYỄN QUỐC

- Thông tin liên quan:

>> Làm nghề y, nhất định phải đặt đạo đức lên hàng đầu

>> Vụ bác sĩ phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng: Trách nhiệm thuộc nhiều phía!

Tin cùng chuyên mục