Loạn...xét nghiệm

Loạn...xét nghiệm

Hễ đến bệnh viện khám hay điều trị, bệnh nhân phải làm xét nghiệm. Ít thì vài cái, nhiều thì trên cả chục xét nghiệm. Khốn khổ hơn, cầm kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế này đến cơ sở y tế khác để điều trị thì không được chấp nhận. Vậy là có bệnh nhân phải làm tới 2, 3 đợt xét nghiệm, tốn kém thời gian, tiền bạc. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến ở nhiều cơ sở y tế tại TPHCM.

Chóng mặt vì xét nghiệm

Từ miền Trung vào TPHCM để chữa bệnh sỏi thận đeo đẳng từ nhiều năm nay, bệnh nhân Nguyễn Thị G., 62 tuổi, đã tìm đến Khu Khám và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Bình Dân. Mua sổ khám bệnh 35.000 đồng, bệnh nhân G. được chỉ dẫn sang phòng khám. Ở đây có 2 bác sĩ trẻ tuổi túc trực và sau khi hỏi sơ qua về bệnh tình liền phê ngay vào phiếu yêu cầu xét nghiệm X-quang, siêu âm. Chờ đợi hết một buổi sáng, cuối cùng 2 xét nghiệm trên cũng xong.

Nhưng chưa hết, sau khi cầm kết quả X-quang, siêu âm về phòng khám lúc đầu, bệnh nhân G. tiếp tục được yêu cầu xét nghiệm UIV, đường huyết. “Hoàn tất các xét nghiệm này cũng mất thêm nửa ngày”, bệnh nhân G. than thở. Tưởng thế là xong, hôm sau quay lại phòng khám, bệnh nhân G. lại được yêu cầu xét nghiệm sinh hóa máu, điện tâm đồ, nước tiểu, chụp phim phổi… Vậy là mất hết 3 ngày chạy tới chạy lui, chờ đợi, bệnh nhân G. mới có những xét nghiệm nói trên và chi phí hòm hòm đi đứt gần 2 triệu đồng. “Mới có chừng đó xét nghiệm mà đã xây xẩm mặt mày...”, bệnh nhân G. băn khoăn.

Loạn...xét nghiệm ảnh 1

Bệnh nhân chờ xét nghiệm tại Khu Khám và điều trị kỹ thuật cao của BV Bình Dân TPHCM. Ảnh: Tg.L.

Theo một số bác sĩ chuyên khoa thận-niệu, trường hợp như bệnh nhân G. nói trên là bình thường bởi hầu hết bệnh nhân điều trị sỏi thận, sỏi niệu quản đều có những xét nghiệm tương tự. Song nhìn chung hầu hết các bệnh lý đều phải làm xét nghiệm khi đến bệnh viện, có trường hợp làm không dưới 10 xét nghiệm các loại với chi phí lên tới vài triệu đồng.

Đáng nói, có những trường hợp phải làm đi làm lại mấy bộ xét nghiệm, vì qua mỗi cơ sở y tế bị yêu cầu xét nghiệm lại từ đầu. Bệnh nhân Nguyễn Minh T., 28 tuổi ở Bà Rịa -Vũng Tàu là một ví dụ điển hình. Ngày 9-9 vừa qua, tại Khoa Tán sỏi của Bệnh viện Bình Dân, anh không giấu được sự bực tức khi đã có trong tay kết quả xét nghiệm của 2 bệnh viện nhưng tới Bệnh viện Bình Dân vẫn được bệnh viện này “cho thêm” một loạt xét nghiệm lại nữa.

Anh T. cho biết: “Trước đó đến Bệnh viện tỉnh Bà Rịa, anh được các bác sĩ cho làm xét nghiệm về máu, nước tiểu, huyết học, chụp 3 lần X- quang về phổi; siêu âm thận…hết hơn 1 triệu đồng. Họ kết luận bị sỏi thận. Tuy nhiên, để tin tưởng hơn, anh tiếp tục đến Bệnh viện Triều An TPHCM khám. Tại đây, anh phải làm cả chục xét nghiệm tương tự và kết quả bị sỏi thận trái. Nhưng nay qua Bệnh viện Bình Dân, anh phải tốn thêm 2 triệu đồng tiền xét nghiệm nữa”.

Chuẩn hóa xét nghiệm - bao giờ?

Thực trạng trên phổ biến ở các cơ sở y tế tại TPHCM từ nhiều năm qua, đặc biệt khi các máy móc, thiết bị xét nghiệm ngày càng phong phú, và hầu như lãnh đạo các bệnh viện, ngành y tế và cả đến các bác sĩ trực tiếp tư vấn xét nghiệm, điều trị đều biết. Đa phần trong số họ cũng thừa nhận rằng sự không đồng nhất trong xét nghiệm hay cố tình lạm dụng xét nghiệm đã gây không ít phiền hà về công sức, tiền bạc của bệnh nhân.

Thậm chí một số bác sĩ thẳng thắn cho rằng, tình trạng “loạn” xét nghiệm hiện nay phần nào đó đã có tính tiêu cực, “móc túi” bệnh nhân một cách…hợp pháp! BS Nguyễn Thế Thành, Trưởng khoa Thận- Niệu Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng, xét nghiệm có vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý cho bệnh nhân. Tùy vào từng bệnh lý mà có những loại xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên theo BS Thành, cái quan trọng là làm đủ xét nghiệm, chính xác, chứ không phải… bạ đâu xét nghiệm đó. Chẳng hạn nếu một bệnh nhân bị tăng huyết áp (không có nghi ngờ bóc tách động mạch chủ ngực) nhưng yêu cầu chụp CT ngực, MRI với chi phí vài triệu đồng là thừa.

Ở một khía cạnh khác, BS Huỳnh Quốc Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng, việc không chấp nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau giữa các cơ sở y tế cũng là vấn đề cần xem xét. Theo BS Hòa thực trạng này không thể phủ nhận, bởi chính hầu hết bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng được yêu cầu làm xét nghiệm lại từ đầu, ngoại trừ một vài xét nghiệm thực hiện tại các cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Pasteur TPHCM. “Bác sĩ có quyền nghi ngờ kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế khác và yêu cầu làm lại. Và chưa có chế tài nào ràng buộc điều này”, BS Hòa cho biết. Cũng theo BS Hòa, hiện xét nghiệm thường chia làm 2 loại: xét nghiệm tầm soát kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý. Trên cơ sở bệnh cảnh của bệnh nhân mà có những xét nghiệm phù hợp chứ không phải hễ bệnh nhân đến là yêu cầu làm một loạt xét nghiệm. Điều BS Hòa băn khoăn là đã đến lúc cần có những quy định cụ thể từ Bộ Y tế về chuẩn hóa xét nghiệm.

Nhìn nhận về vấn đề trên, BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho rằng, công nghệ xét nghiệm ngày càng đa dạng, công nghệ của các nước lại có quy trình, đơn vị tính khác nhau nên sai số trong xét nghiệm là có, nhưng phải trong phạm vi cho phép. Việc không thừa nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế được xem là sự thận trọng trong hoạt động chẩn đoán và mỗi cơ sở y tế đều có quyền nghi ngờ để giám sát lại. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể đủ tin tưởng, có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau sẽ giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân. Theo BS Nghiệm, Sở Y tế cũng đã có chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc không được lạm dụng xét nghiệm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và lòng tin của bệnh nhân, sở sẽ tăng cường giám sát để hoạt động xét nghiệm nghiêm túc hơn. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục