
Quá tải bệnh viện (BV) – căn bệnh trầm kha của các BV TPHCM từ nhiều năm nay đang được ngành chức năng cố gắng tìm lời giải từ hội thảo “Nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở” do UBND TPHCM và Sở Y tế TPHCM tổ chức ngày 18-1-2007. Tuy nhiên, đáp số cho bài toán này không phải có ngay sau một phép tính.
Thay đổi dòng chảy
Báo cáo tại hội thảo, BS Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết: Trung bình mỗi ngày, BV có từ 4.000 – 5.000 bệnh nhi đến khám và chữa bệnh; trong số này có đến 80% bệnh nhi có thể điều trị ngoại trú tại các trung tâm y tế (TTYT). Đây không chỉ là chuyện riêng của BV Nhi đồng 1 mà là tình trạng chung của các BV lớn trên địa bàn thành phố hiện nay.

Một trong nhiều bệnh nhân bị tai nạn được nhóm nhân viên y tế TTYT Củ Chi trực tiếp hiến máu cứu sống. Ảnh: TR.NG.
Theo BS Hùng, hầu hết người dân vẫn thích điều trị ở các BV lớn thay vì chọn các cơ sở y tế tuyến dưới. Sở dĩ có thực trạng này là vì trong một thời gian dài khi tuyến y tế cơ sở (YTCS) chưa được củng cố, hoàn thiện và phát triển thì các BV tuyến trên, đặc biệt là các BV chuyên khoa là lựa chọn tất yếu của nhiều người.
Khả năng điều trị của các BV tuyến trên đã tạo thành “vùng trũng” hút dòng chảy bệnh nhân về. Để giảm tải cho các BV lớn, theo BS Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc BV Nhân Dân 115 (BVND 115): Cần phải tạo được lực hút cho các tuyến YTCS thay đổi quan niệm “nước chảy chỗ trũng” bằng cách nâng cao chất lượng điều trị cho tuyến này.
Đây không chỉ là việc “hô khẩu hiệu” của các BV tuyến trên mà nhiều nơi đã có những hành động thiết thực để hỗ trợ, tạo lực hút cho cơ sở y tế tuyến dưới. Việc TTYT huyện Củ Chi có khả năng triển khai các kỹ thuật cao như hiện nay không thể không kể tới sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ cán bộ, y BS BVND 115. Cả hai bên đã tốn khá nhiều thời gian để ngồi lại cùng “bắt mạch” nhu cầu của địa bàn và tìm ra mấu chốt: triển khai cấp cứu hồi sức là việc làm vô cùng cần thiết để từ đó phát triển được các kỹ thuật cao hơn.
Cho đến nay, BVND 115 đã thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật cao cho YTCS như: phẫu thuật ngoại thần kinh, thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, cấp cứu tim mạch… Cũng như BVND 115, các y BS của BV phụ sản Hùng Vương cũng tận tình “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ y BS các TTYT để triển khai các kỹ thuật cao trong sản phụ khoa. Nhờ sự hỗ trợ này, cho đến nay, nhiều TTYT như: Hóc Môn, quận 7 đã có thể điều trị được nhiều ca khó như: mổ lấy thai; thai ngoài tử cung; u nang buồng trứng; xuất huyết nang hoàng thể…
Qua khảo sát hoạt động năm 2006, hầu hết các TTYT quận, huyện đều có khả năng thực hiện các kỹ thuật cấp cứu theo phân tuyến của Bộ Y tế đạt trên 50% kỹ thuật của bộ quy định, riêng TTYT Củ Chi thực hiện được khoảng 90%.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: nếu được đầu tư đúng mức về trang thiết bị và chuyên môn, tuyến YTCS có nhiều khả năng sẽ thu hút được một lượng lớn bệnh nhân nhất là khi theo khảo sát cho thấy, phong cách giao tiếp, ứng xử ở các đơn vị cơ sở tốt hơn nhiều so với các BV chuyên khoa, tuyến trên.
Còn nhiều khó khăn
Với sự phát triển của mình, trong những năm qua, nhiều TTYT đã thu hút được một lượng lớn bệnh nhân điều trị tại trung tâm. Cụ thể như TTYT huyện Củ Chi, trong năm 2006, số lượt cấp cứu tại TT đã tăng lên đến 50.000 lượt (tăng gấp 5 lần so với năm 2001); số lượt khám chữa bệnh tăng đến 1,6 triệu lượt trong năm 2006.
Trong đó có gần 40% bệnh nhân đến từ các tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Dương. Việc tăng năng lực cho tuyến y tế cơ sở quả là vô cùng ý nghĩa và hiệu quả với mục tiêu giảm tải ở các bệnh viện lớn. Theo BS Nguyễn Thế Dũng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM, dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 10 triệu dân. Để công tác chăm sóc sức khỏe người dân được tốt, ngoài việc tăng số giường bệnh lên 4 giường/1.000 bệnh nhân (hiện nay là 3), chủ trương của ngành còn là tăng cường BV trong ngày chất lượng cao (giảm số ngày nằm viện của bệnh nhân) và nâng cao năng lực tuyến YTCS. Tuy nhiên, tăng năng lực cho các cơ sở như thế nào và triển khai ra sao còn là bài toán khó.
Theo BS Nguyễn Trường Giang, ở nhiều địa bàn, số dân lên tới 80.000 dân nhưng nhân lực của TTYT vẫn bị bó trong khung trong biên chế chỉ có 15 người. Không có đủ con người thì có đầu tư trang thiết bị hay chuyển giao kỹ thuật có tốt đến mấy cũng không thể giúp các TT này có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Nhân sự được xem là vấn đề khó khăn nhất của các TTYT, trạm y tế phường xã hiện nay.
Để giải quyết được vấn đề này, theo BS Giang, cần tạo cơ chế thoáng cho các đơn vị YTCS, mở ra cơ chế thị trường, làm sao để các đơn vị có thể đảm bảo được công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng đồng thời cũng phải nuôi được cán bộ, nhân viên của họ. Để thực hiện tốt việc nâng cao năng lực tuyến cơ sở, theo BS Giang, cần phải có một quy hoạch tổng thể để biết rõ cần đầu tư, nâng cao như thế nào, nâng lên ở mức nào.
Sau cuộc hội thảo này, Sở sẽ tiếp tục tiếp nhận những ý kiến của các đơn vị để chuẩn bị làm kiến nghị cụ thể trình lên thành phố và Bộ Y tế.
KIM LIÊN – NGỌC TRƯỚC