Những dòng trạng thái đại loại “Nhóm cú đêm điểm danh”, “Hội thức khuya chuẩn bị đăng đàn nha”, “Thức đêm mới hòa nhịp được với thế giới hiện đại nha mấy bạn”, “Anh em sẵn sàng “chiến” chưa?”… dù đăng khá muộn nhưng luôn được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình.
Người trẻ có thể thức nguyên đêm để “cày” game online
Ngủ ngày, “cày” đêm
Ngày nay, thức khuya đã trở thành thói quen của phần lớn giới trẻ, nhất là giới trẻ sinh sống và học tập tại các thành thị, đến mức nhiều bạn còn cho rằng, thức khuya “đã ăn vào máu”, khó mà thay đổi được. Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhanh với 30 bạn trẻ là sinh viên và nhân viên văn phòng tại TPHCM, thì tới 26 bạn cho biết mình đi ngủ sau 0 giờ, trong đó có tới 12 bạn thường xuyên đi ngủ sau 2 giờ sáng ngày hôm sau. Điều đó cho thấy, thời gian biểu của giới trẻ đang dần lệch so với đồng hồ sinh học.
N.T.M. (sinh viên năm 3 Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM) khoe chiến tích: “Sinh viên thức đến 3-4 giờ sáng thì có gì lạ đâu, nhiều khi em còn thức trắng đêm luôn. Khoảng hơn 2 năm nay, hiếm khi em đi ngủ trước 3 giờ vì tầm ấy “cày game” mới đã, mạng mạnh và được chiến với đối thủ nặng ký”.
Thấy chúng tôi thắc mắc về thời gian nghỉ ngơi để hôm sau lên lớp, M. tròn mắt nhìn chúng tôi rồi bảo: “Ủa, chị cũng học đại học mà đúng không? Sinh viên chớ có phải cấp 2, cấp 3 đâu mà phải đi đúng giờ. Tụi em “cày” game tới gần sáng thì ngủ đến tầm 9 giờ vào lớp là vừa. Tầm ấy, thầy cô mới chuẩn bị điểm danh, vẫn kịp. Mà đừng tưởng sinh viên thức khuya là ít ngủ nha. Như em nè, hôm nào phải đi học thì sáng ngủ nướng ít thôi, nhưng chiều về là em làm một giấc đến 8-9 giờ tối. Hôm nào được nghỉ thì ngủ nướng cả ngày…”.
Đâu chỉ sinh viên và người đi làm mới thức khuya, nhiều bạn trẻ còn tuổi teen, đang học phổ thông cũng thường xuyên “đọ tài” thức khuya cùng chúng bạn. Nguyễn Lục Hà Anh (học sinh một trường cấp 3 tại quận 8) kể: “Em cũng hay thức khuya để học bài, học xong thì leo lên giường, tắt điện rồi lướt mạng, lướt Facebook, Zalo đến hơn 12 giờ mới đi ngủ. Thi thoảng, tụi bạn em còn bày trò thi xem đứa nào thức khuya nhất bằng cách tính giờ bình luận vào status (trạng thái) trên Facebook. Bởi vậy mà nhiều hôm đang ngủ, em phải đặt báo thức để nửa đêm dậy bình luận cho nó “chất”.
Thời gian biểu thiếu khoa học
Xã hội càng phát triển, thời gian biểu của người trẻ càng thưa hơn khi chủ yếu là ăn, ngủ, làm việc và… nhậu. Những hoạt động vui chơi giải trí đều diễn ra tại chỗ bằng các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh. Đó cũng là lý do mà các quán nhậu luôn kín chỗ, trong khi công viên, các nhà văn hóa lại thưa bóng người trẻ vì nhiều lý do.
Mới đây, cuộc khảo sát giới trẻ tại công sở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của một tập đoàn dinh dưỡng toàn cầu cho thấy, Việt Nam là một trong số những nước có tỷ lệ người trẻ lười vận động nhất. Có tới 7/10 người trẻ là dân văn phòng dành không đến 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Chính lối sống thiếu lành mạnh đã khiến giới trẻ Việt Nam ngày càng ù lỳ, béo phì.
Thanh Duy, 23 tuổi, nhân viên marketing của một công ty thời trang tại quận 3 cho biết, cậu tăng 21kg chỉ trong 10 tháng sau khi ra trường đi làm. Từ một chàng trai có dáng người cân đối, Duy trở nên nặng nề hơn với cơ thể thừa cân. Liệt kê ra các hoạt động trong một ngày, Duy giật mình khi thấy thời gian ngồi trên máy tính quá nhiều, tới 15-16 giờ/ngày, sinh hoạt không điều độ và hẳn nhiên vắng bóng thể dục thể thao trong cuộc sống thường nhật. Lý giải lý do tăng cân, Duy cho biết: “Cũng tại quá nhiều việc nên mình hay thức đêm để tập trung giải quyết cho xong. Con trai mà, thức đêm mà không làm ly cà phê và vài điếu thuốc lá thì nhạt miệng lắm, hết điếu này lại châm điếu khác, có đêm mình hút cả gói thuốc không chừng. Rồi thói quen ăn đêm các kiểu, nó khiến mình tăng cân không thể kiểm soát được”.
So sánh với thời gian biểu của Duy, Lương Thị Trang, 25 tuổi (ngụ quận 7, một biên dịch viên tự do) cũng có quá nhiều điểm trùng hợp. Cũng thức khuya, chủ yếu thời gian trong ngày là ôm máy tính, uống cà phê, ăn đêm vô độ và không có khái niệm thể dục thể thao khiến Trang bị dư tới 17kg. Nhìn thân hình nặng nề, mất cân đối, Trang ngày càng tự ti và ngại tiếp xúc với mọi người.
Thời gian biểu của Duy, Trang không phải là cá biệt, mà nó là điển hình cho lối sinh hoạt của đại bộ phận giới trẻ ngày nay. Một chuyên gia dinh dưỡng đã từng nhận định, thói quen sinh hoạt không điều độ của giới trẻ ngày nay bắt nguồn từ nguyên nhân trong quá khứ. Đó là khi các em còn trong độ tuổi đi học, nhà trường và phụ huynh luôn đặt nặng việc rèn luyện kiến thức hơn là rèn luyện kỹ năng và thể chất. Minh chứng là tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học mắc chứng béo phì cao, đến mức Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM phải đưa ra chiến lược để khống chế tỷ lệ học sinh béo phì ở mức dưới 25%.